Nhóm bạn trẻ tự nguyện dọn rác ven quốc lộ 60. Ảnh: Thạch Thảo
Lộ trình thực hiện
Thực tế ghi nhận, việc phân loại rác tại nguồn hiện nay vẫn còn chưa đi vào đời sống người dân một cách sâu sắc. Trên địa bàn tỉnh, năm 2021, tổng lượng rác thu gom và xử lý khoảng 350 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị ước đạt 93%, nông thôn ước đạt 54%. Tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn rất thấp, chỉ đạt dưới 5%. Toàn tỉnh có 8 bãi chôn lấp rác tập trung cấp huyện và 1 nhà máy xử lý rác thải cấp tỉnh, tổng diện tích 18,1ha, hình thức xử lý là chôn lấp hở hoặc đốt. Tuy nhiên, các bãi rác đang bị quá tải gây ô nhiễm môi trường.
Khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng là do gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự báo đến năm 2025 và 2030, dân số Bến Tre ước đạt lần lượt khoảng 1.321,1 ngàn người và 1.328,1 ngàn người. Lượng CTRSH phát sinh mỗi ngày là 1.575 tấn và 1.594 tấn tương ứng. Việc xử lý rác thải không hợp vệ sinh hiện nay gây ra những tác hại cho môi trường và sức khỏe con người như: bỏ rác không đúng nơi quy định, đốt rác ở nhiệt độ thấp làm phát sinh khí độc, chất hữu cơ trong rác phân hủy gây mùi và các chất khí gây ô nhiễm.
Phân loại CTRSH tại nguồn mang lại lơi ích về kinh tế, môi trường và xã hội khi tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, giúp xử lý hiệu quả hơn các thành phần khác nhau trong rác thải, giảm việc chôn lấp, làm thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của cộng đồng, sử dụng hợp lý tài nguyên...
UBND tỉnh đã có Quyết định số 2598/QĐ-UBND ban hành Sổ tay hướng dẫn cụ thể việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Lộ trình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn được chia làm 2 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 (2021 - 2025), triển khai phân loại CTRSH tại nguồn thành 2 nhóm là chất thải rắn dễ phân hủy sinh học và nhóm chất thải rắn khó phân hủy sinh học. Giai đoạn 2 (sau năm 2025), cơ sở hạ tầng về thu gom, vận chuyển và xử lý cơ bản hoàn thiện, CTRSH được phân thành 4 nhóm (nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng; nhóm CTRSH thông thường; nhóm chất thải rắn thực phẩm; nhóm CTRSH nguy hại).
Cách thức phân loại CTRSH được áp dụng đối với khu vực đô thị và nông thôn cho từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, yêu cầu chủ nguồn thải sử dụng các túi rác (hoặc thùng rác), với màu sắc theo quy định chung để phân loại rác thải sinh hoạt. Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, sử dụng túi rác màu đỏ (hoặc vàng) cho rác khó phân hủy sinh học và túi rác màu xanh (hoặc các màu khác) cho rác dễ phân hủy sinh học. Phương tiện thu gom sẽ được phân biệt cho 2 loại rác khác nhau. Khuyến khích người dân thu gom riêng các loại rác có khả năng tái chế (giấy, chai nhựa, lon nhôm…), các loại rác thải nguy hại như pin, thiết bị điện tử cần được thu gom và tập kết riêng biệt.
Tập trung tuyên truyền
Đối với giải pháp thực hiện lộ trình này, có nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) phải thay đổi từ ý thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Do đó, ngành chức năng và các địa phương cần tập trung nhiều cho tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện. Quan trọng nhất là cần có sự đồng bộ từ phân loại tại hộ gia đình đến tổ chức thu gom tập trung và xử lý sau thu gom. Ngoài ra, để nâng cao ý thức trong phân loại rác sinh hoạt, có thể tính đến triển khai cam kết tại từng hộ gia đình, áp dụng xử phạt hoặc áp giá thu gom cao hơn nếu không phân loại.
Thực hiện theo luật định, việc PLRTN cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân; phải có sự kiên trì, duy trì bền bỉ. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn, chỉ tiêu của tỉnh đến cuối năm 2022, PLRTN là 20% và đến năm 2025 là 70%. Do đó, cấp huyện, thành phố cần có kế hoạch triển khai để đạt hoặc phấn đấu cao hơn mức tỉnh giao. Căn cứ điều kiện thực tế địa phương, khu vực nông thôn và thành thị, cơ sở hạ tầng thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để triển khai, áp dụng mô hình PLRTN phù hợp nhưng phải đảm bảo đồng bộ theo hướng dẫn chung của tỉnh và quy định pháp luật.
Ông Bùi Minh Tuấn cho rằng, nếu chờ đến khi hạ tầng thiết bị đáp ứng nhưng chưa ý thức, hành động của người dân chưa thành thói quen thì cũng chưa hành động tốt được việc PLRTN. Bước đầu của lộ trình thực hiện sẽ kỳ vọng đến những bước chuyển mới như: Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên. Đơn vị thu gom rác phân biệt được loại rác thải qua túi rác, khắc phục được việc rác sau phân loại tại nhà lại đổ chung với nhau, rác hữu cơ được xử lý đúng cách tại hộ gia đình; việc phân loại, xử lý rác tại nhà máy và bãi rác hiệu quả hơn, thu hồi tận dụng tối đa rác tái chế, phế liệu.
“Cần nhất quán quan điểm không phải chờ khi cơ sở hạ tầng thiết bị thu gom, xử lý đồng bộ mới tiến hành phân loại rác thải tại nguồn mà triển khai ngay theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020 và từng bước đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết bị thu gom, xử lý đáp ứng cho việc phân loại rác thải tại nguồn, song song với việc nâng cao ý thức chấp hành của người dân và mở rộng phạm vi, quy mô thực hiện”.
(Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn)
|
Thanh Đồng