
Khảo sát quy trình xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác Bến Tre.
Thực trạng tình hình
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre Nguyễn Tấn Vũ, đơn vị thực hiện thu gom trên địa bàn TP. Bến Tre, huyện Châu Thành và một phần huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, với lượng rác thu gom khoảng 150 tấn/ngày chuyển về Nhà máy xử lý rác (NMXLR) Bến Tre để xử lý.
Đối với các huyện, lượng rác thu gom khoảng 7 - 15 tấn/ngày, do đơn vị sự nghiệp nhà nước hoặc đơn vị tư nhân hợp đồng thu gom, vận chuyển đến bãi chôn lấp rác tập trung của huyện để xử lý. Riêng huyện Thạnh Phú có NMXLR Thạnh Phú xử lý.
Tỉnh hiện có 2 NMXLR đang hoạt động (NMXLR Bến Tre, công suất 250 tấn/ngày; NMXLR huyện Thạnh Phú, công suất 100 tấn/ngày), có 1 dự án (DA) đang đầu tư (NMXLR huyện Mỏ Cày Bắc, công suất 20 tấn/ngày, diện tích 0,56ha), 1 DA đang thực hiện thủ tục đầu tư (NMXLR huyện Bình Đại, công suất 60 tấn/ngày, diện tích khoảng 4,8ha).
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 7 bãi chôn lấp rác tập trung cấp huyện, với tổng diện tích 11,6ha (huyện Mỏ Cày Nam 2ha tại xã An Thạnh; huyện Bình Đại 2ha tại thị trấn; Chợ Lách 0,6ha tại thị trấn và 0,2ha tại xã Vĩnh Thành; Giồng Trôm 0,7ha tại xã Tân Thanh và 1,3ha tại xã Châu Bình; Ba Tri 4,8ha tại xã An Hiệp). Các bãi chôn lấp rác dạng hở, rác lộ thiên, rác thải tự phân hủy gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Hầu hết các bãi rác đều quá tải trong việc tiếp nhận, xử lý rác (trừ bãi rác xã An Hiệp có diện tích khá lớn và bãi rác xã Châu Bình mới đầu tư).
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương, NMXLR huyện Thạnh Phú có công suất 100 tấn/ngày. DA xây dựng giai đoạn 1 với lượng rác tiếp nhận xử lý khoảng 15 tấn/ngày. Rác thải tiếp nhận hàng ngày được phân loại xử lý, phần rác còn lại phải xử lý bằng lò đốt rác theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng đến nay nhà đầu tư (NĐT) chưa triển khai lò đốt rác, dẫn đến rác thải tồn đọng tại nhà máy ngày một nhiều. Cuối năm 2021, NĐT xin điều chỉnh chủ trương đầu tư DA. Qua xem xét, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, DA thuộc loại có nguy cơ ô nhiễm môi trường nên NĐT phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhưng đến nay, NĐT chưa thực hiện. Trong quá trình hoạt động, NMXLR huyện Thạnh Phú gây mùi hôi, nước rỉ rác gây ảnh hưởng môi trường xung quanh nên có sự phản ánh của người dân.
Đối với NMXLR huyện Mỏ Cày Bắc, công suất 20 tấn/ngày. DA đã khởi công xây dựng vào tháng 7-2019. Đến nay đã san lắp xong mặt bằng, thi công đường vào, tường rào, nhà bảo vệ. Các hạng mục còn lại gồm: nhà phân loại rác, lò đốt rác… chưa thực hiện. UBND huyện Mỏ Cày Bắc đã nhiều lần làm việc với NĐT để nắm tình hình, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay DA vẫn chậm tiến độ. Nguyên nhân là NĐT xem xét thay đổi công nghệ do không hiệu quả. Để tiếp tục tạo điều kiện cho NĐT triển khai DA, UBND tỉnh cho ý kiến NĐT tiếp tục thực hiện DA đến hết tháng 3-2022. NĐT có văn bản đề nghị mở rộng, diện tích mở rộng thêm 1,12ha với lý do phát sinh thêm một số hạng mục DA.
Giải pháp thời gian tới
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, tổng thể lâu dài cho công tác quản lý rác thải là quy hoạch và đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải của tỉnh, từng bước đóng cửa bãi chôn lấp rác các huyện, vận chuyển rác về khu liên hợp xử lý chất thải của tỉnh để xử lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải ở các huyện. Khu liên hợp xử lý chất thải tập trung với quy mô, công suất và công nghệ phù hợp, đảm bảo nhu cầu xử lý hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.
Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực thành thị và nông thôn. Thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy thu gom rác để mở rộng địa bàn thu gom, nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải. Có kế hoạch và từng bước triển khai hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Cải tạo nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng phân loại, tái chế, tái sử dụng và ủ phân compost nhằm giảm tối đa lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp trực tiếp dưới 30%. Xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát. Từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm thay vào đó là đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rác đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa khó phân hủy, hình thành lối sống thân thiện môi trường.
“UBND tỉnh đã thống nhất đưa vào Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 2 khu liên hợp xử lý rác cấp tỉnh, gồm Khu liên hợp xử lý chất thải rắn khu vực kinh tế biển, với diện tích 20ha ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn khu vực trung tâm đô thị, với diện tích 20ha ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam. Phấn đấu đến năm 2025, trên 95,5% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị được thu gom và xử lý, tỷ lệ này ở nông thôn là 80%, phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa. Đến năm 2030 có trên 98,5% rác thải rắn phát sinh tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý và tại khu vực nông thôn là hơn 90%”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)
|
Bài, ảnh: Nguyễn Hữu