BDK.VN - Chiều 16-9-2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam tổ chức hội thảo khoa học, với chủ đề “Giải pháp xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp tôm sú trong ao đất tại Bến Tre” do Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam chủ trì thực hiện và ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ nhiệm đề tài. Phó giám đốc Sở KH&CN Trương Trịnh Trường Vinh, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam Phạm Quốc Huy chủ trì hội thảo.
Đại biểu nêu vấn đề quan tâm với chủ trì hội thảo.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Trạm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ của 3 huyện biển: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; hộ nông dân nuôi thủy sản tham dự.
Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, quy trình nuôi cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất tại tỉnh, sản lượng thu hoạch tôm sú thương phẩm 5.428kg (tỷ lệ sống tôm sú đạt > 60%); sản lượng thu hoạch cá măng thương phẩm 1.245kg (tỷ lệ sống cá măng đạt > 70%). Xây dựng thành công quy trình chế biến chả cá măng và sản phẩm chả cá măng đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Xây dựng thành công quy trình chế biến chả tôm sú và sản phẩm chả tôm sú đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Tập huấn cho 60 hộ dân về quy trình kỹ thuật nuôi cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất tại tỉnh. Tập huấn cho 20 cán bộ kỹ thuật của 2 huyện Thạnh Phú, Bình Đại về quy trình kỹ thuật nuôi cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất tại Bến Tre.
ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo thông tin về đề tài “Giải pháp xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp tôm sú trong ao đất tại Bến Tre”.
Giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong mô hình nuôi ghép cao hơn so với mô hình nuôi tôm đơn. Doanh thu trong mô hình nuôi ghép ở mật độ tôm 20 con/m2 và cá măng 1 con/5m2 đạt 712,47 triệu đồng/ha (150 ngày nuôi), còn trong nuôi tôm đơn doanh thu bình quân đạt 173 triệu đồng/ha (150 ngày nuôi).
Giải quyết việc làm cho những lao động trực tiếp và lao động gián tiếp liên quan đến nghề nuôi tôm. Nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi tôm sú cho người dân. Xóa bỏ kỹ thuật nuôi tôm sú chưa phù hợp, hình thành kỹ thuật chuẩn cho người dân vùng thực hiện mô hình. Mô hình đóng góp tích cực vào chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Người tiêu dùng được sử dụng tôm sú thương phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện mô hình sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi trồng thủy sản, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mô hình đóng góp tích cực vào chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sinh môi trường sinh thái. Sử dụng thức ăn tổng hợp, kiểm soát thức ăn dư thừa… giảm tác động xấu đến môi trường; giúp tăng hiệu quả sử dụng mặt nước. Tăng cường kiến thức và kỹ năng giúp nông dân giảm tác động đối với môi trường và đối với sức khỏe người sản xuất.
Tại hội thảo, đại biểu đánh giá cao hiệu quả đề tài đem lại. Đáng lưu ý, cá sống được trong vùng nước lợ, mặn, phù hợp nuôi tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Thức ăn là tảo, góp phần cải tạo ao nuôi. Diện tích nuôi không cần lớn. Đại biểu đặt vấn đề nhân rộng khi đề tài nghiệm thu; đầu ra con cá măng và sản phẩm chả cá măng. Khi nuôi đại trà, nguồn con giống có đảm bảo … Chủ trì hội thảo đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu đặt ra.
Phó giám đốc Sở KH&CN Trương Trịnh Trường Vinh cho biết, đề tài “Giải pháp xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp tôm sú trong ao đất tại Bến Tre” là hướng nghiên cứu phù hợp trong cải thiện chất lượng ao nuôi, xây dựng quy trình nuôi đa dạng hóa đối tượng nuôi trong cùng một ao nuôi, định hướng hình thành chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ. Sản phẩm chứng nhận OCOP, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó giám đốc Sở KH&CN đề nghị, các phòng, ban huyện tham mưu UBND huyện bố trí vốn đối ứng cho việc nhân rộng mô hình ra dân cũng như các đề tài KH&CN phù hợp với địa phương.