Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú ổn định phát triển

07/12/2022 - 05:22

BDK - Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) được thành lập với nòng cốt là Tổ hợp tác (THT) Sầu riêng ấp Hàm Luông. HTX đang có chiều hướng phát triển tốt. Hiện HTX đã gắn kết với doanh nghiệp thu mua trái sầu riêng và đã đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên.

Sầu riêng của gia đình ông Cao Văn Vịnh thu hoạch trong tháng 12-2022, bán giá 77 ngàn đồng/kg.

Sầu riêng của gia đình ông Cao Văn Vịnh thu hoạch trong tháng 12-2022, bán giá 77 ngàn đồng/kg.

Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông

Bà Cao Thị Chiên, ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú cho biết, bà đã nhiều năm liền gắn bó với công việc dạy học. Năm 2017, bà nghỉ hưu về tham gia cùng các thành viên trong gia đình canh tác 8 công đất trồng sầu riêng. Từ đây, bà Chiên nảy sinh ý tưởng và đề xuất cùng chị em phụ nữ ấp thành lập nhóm sở thích trồng sầu riêng. Đông đảo phụ nữ ở ấp Hàm Luông cùng canh tác sầu riêng tán thành cao với đề xuất này. Tuy nhiên, Chi hội Phụ nữ ấp đề nghị thay đổi nhóm sở thích trồng sầu riêng thành THT Sầu riêng ấp Hàm Luông.

Ngày 8-3-2017, THT Sầu riêng ấp Hàm Luông chính thức được thành lập, với 12 thành viên. Sau đó, tổ nâng dần lên với tổng số 50 thành viên, trong đó có 41 thành viên nữ và 9 thành viên nam. Mỗi thành viên sở hữu từ 2 - 10 công đất trồng sầu riêng.

THT Sầu riêng ấp Hàm Luông đã nhanh chóng hình thành các nhóm: kỹ thuật, thu hoạch, giao lưu và kinh doanh… Tổ duy trì họp mỗi tháng một lần để trao đổi, chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Các thành viên trong tổ hỗ trợ nhau thụ phấn cho cây, thu hoạch trái. Thời gian nhàn rỗi, các thành viên nhận làm thuê cho người trồng sầu riêng ngoài tổ, ngoài huyện và người trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, với các công việc như: thụ phấn cho cây, tỉa bông, tạo tán, giống trái (dùng dây treo trái sầu riêng lên thân để trái không rụng non), thu hoạch trái sầu riêng… Tiền công lao động tính theo giờ hoặc ngày. Nếu lao động trong xã hoặc cùng huyện, giá 700 ngàn đồng/người/ngày; ngoài tỉnh 900 ngàn đồng/người/ngày.

Tháng 8-2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn THT Sầu riêng ấp Hàm Luông triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các thành viên tuân thủ “4 đúng” trong chăm sóc cây trồng: bón phân, xịt thuốc đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học để chăm sóc cây, không chăn nuôi trong vườn cây ăn trái, tạo cho khu vườn xanh - sạch - đẹp… tiến tới sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Cao Văn Vịnh - thành viên THT Sầu riêng ấp Hàm Luông cho biết: Nhờ tham gia vào tổ mà các thành viên ngày càng nắm vững hơn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng. Giờ đây, trên cùng một diện tích đất, các thành viên áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý để cây ra trái thu hoạch nhiều lần trong năm, gồm: vụ thuận, lỡ vụ và vụ nghịch nên bán được giá cao. Một số thành viên tham gia nhóm kỹ thuật, cắt trái, chuyên chở trái… nhận làm cho các hộ trồng sầu riêng có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Thành lập hợp tác xã

Theo thời gian, THT Sầu riêng ấp Hàm Luông hoạt động ổn định, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trồng sầu riêng trong tổ. Qua vận động của xã Tân Phú, ngày 26-12-2020, HTX Nông nghiệp Tân Phú được thành lập, nòng cốt vẫn là các thành viên THT Sầu riêng ấp Hàm Luông cùng với các thành viên mới là nông dân trồng sầu riêng xã Tân Phú. Khi mới thành lập, HTX có 53 thành viên, nay nâng lên tổng số gần 200 thành viên.

Bà Nguyễn Thị Thinh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú cho biết: HTX phát triển các nhóm kỹ thuật, thu hoạch, giao lưu, kinh doanh... từ THT Sầu riêng ấp Hàm Luông nhưng số thành viên tham gia các nhóm tăng lên. Năm đầu tiên, HTX gặp khó khăn trong công tác kế toán. Nhưng sau đó, HTX đã tiếp cận Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, HTX được hỗ trợ kinh phí để thuê nhân viên kế toán và kinh doanh đã qua trường lớp đào tạo bài bản. Thời gian hỗ trợ 3 năm. HTX đang tham gia dự án khuyến nông Trung ương thực hiện mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với lộ trình năm 2020 - 2022 có 30ha sầu riêng được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; năm 2023 thêm 30ha, đến năm 2024 có tổng số 150ha được chứng nhận VietGAP. Hiện có 14 hộ, với diện tích 12,95ha trồng sầu riêng được cấp mã vùng. HTX đang đề nghị cấp mã vùng thêm cho 250 hộ trồng sầu riêng, với tổng diện tích gần 200ha. HTX đã thuê nhà kho tập kết sản phẩm của thành viên để cung cấp cho công ty thu mua. Đáng lưu ý là, HTX đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty TNHH Green Power, TP. Hồ Chí Minh. Trong tháng 12-2022, HTX cung cấp cho công ty 110 tấn sầu riêng. Tháng 1, 2, 3 năm 2023 tiếp tục cung cấp 230 tấn.

 Ông Cao Văn Vịnh - Thành viên HTX Nông nghiệp Tân Phú phấn khởi: “Gia đình tôi có hơn 1ha đất trồng sầu riêng. Tôi chia thành nhiều thửa để xử lý cây ra trái thu hoạch nhiều lần. Trong tháng 12-2022, có 1,5 công cho trái thu hoạch. Sản lượng từ 3 - 5 tấn. HTX thống nhất với công ty thu mua giá 75 ngàn đồng/kg. Vườn nhà tôi được cấp mã vùng nên được tăng thêm 2 ngàn đồng/kg, tức 77 ngàn đồng/kg. Trồng sầu riêng giá 50 ngàn đồng/kg là nhà vườn có lãi, với giá này thì nhà vườn vui lắm”.

“Xã đã cho HTX Nông nghiệp Tân Phú thuê đất làm trụ sở làm việc và được cấp máy tính, bàn làm việc. HTX dần đi vào hoạt động tốt hơn, thu hút nhiều xã viên tham gia, tạo được đầu vào cho xã viên. HTX đã tìm được công ty thu mua sản phẩm của xã viên. Xã hỗ trợ HTX tuyên truyền, vận động người trồng sầu riêng quan tâm xây dựng để được cấp mã vùng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Có như thế, sản phẩm đáp ứng được các thị trường khó tính và bán được giá hợp lý”.

(Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú Đặng Văn Bình)

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN