
Nhân công lao động đang làm việc tại cơ sở sản xuất thạch dừa của ông Nguyễn Văn Nhầm.
Sản xuất an toàn
Để khởi động lại hoạt động sản xuất, hộ sản xuất cá thể hay CSSX phải trình hồ sơ đến UBND xã xem xét phê duyệt. Theo đó, chủ CSSX ký cam kết đảm bảo an toàn sản xuất về nhân công lao động, nguồn nguyên liệu, biện pháp phòng chống dịch, giấy test âm tính đầu vào kể cả chủ và nhân công. UBND xã Hưng Phong thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các CSSX trên địa bàn, cơ sở đủ điều kiện sẽ cho phép hoạt động trở lại.
Hơn 10 năm hoạt động, CSSX thạch dừa của ông Nguyễn Văn Nhầm, ở ấp Hưng Long hoạt động ổn định, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Những ngày nghỉ dịch, khó khăn chồng chất, từ chuyện thu nhập gia đình đến nhân công mất việc làm. “Để hoạt động trở lại, cả gia đình tôi và tất cả nhân công đều test nhanh Covid-19 có kết quả âm tính đầu vào. Tuần đầu, test nhanh toàn bộ nhân công, tuần sau, test 20%, tuần tiếp theo test 1 người đại diện, xoay vòng đến hết. Tôi trang bị đầy đủ các vật dụng phục vụ cho nhân công từ khẩu trang, kính chắn giọt bắn đến dung dịch sát khuẩn… ”, ông Nhầm chia sẻ.
Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Hưng Long Lý Văn Dư cho hay, ấp có 24 tổ nhân dân tự quản, thành lập 11 tổ Covid cộng đồng do đảng viên làm tổ trưởng. Tổ Covid cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch, kiểm soát linh động và kịp thời tình hình thực tiễn. Tổ thường xuyên đến từng cơ sở nhắc nhở về việc thực hiện biện pháp “5K”, chuyện xả nước thải ra môi trường hay an toàn trong lao động sản xuất. Người dân luôn có ý thức cao trong phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Thường (Ba Thường) - chủ CSSX than từ gáo dừa, ở ấp Hưng Long không thuê lao động bên ngoài, linh động thành viên gia đình tham gia công việc sản xuất. “Sau thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch, cơ sở hoạt động trở lại nhưng sản lượng cũng chỉ cầm chừng so với thời gian trước. Đồng thời, vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe, thực hiện đúng theo phương án sản xuất chung, cam kết của cơ sở cùng địa phương”, ông Ba Thường nói.
Niềm vui ngày trở lại
Vợ chồng anh Võ Văn Mánh và chị Nguyễn Thúy Kiều, ở ấp Hưng Long làm việc tại CSSX thạch dừa, thu nhập trung bình 200 ngàn đồng/ngày. Khi chưa xảy ra dịch bệnh, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, chăm lo gia đình. Ròng rã gần 3 tháng thất nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19, anh chị vất vả trong chi tiêu, lo cha mẹ già cùng hai con nhỏ.
“Được đi làm lại, chúng tôi vui lắm. Đơn giản vì đây là nguồn sống, công việc đã gắn bó rất lâu. Lao động gần nhà, vợ chồng tôi thuận tiện trong chuyện đi lại, ổn định cuộc sống, gần gũi gia đình và có điều kiện chăm sóc con cái được tốt hơn. Chúng tôi trông đợi hết dịch bệnh từng ngày để ai cũng có thể trở lại công việc”, anh Mánh tâm sự.
Từng làn khói tỏa hương thạch dừa, phía sau lớp khẩu trang là những tiếng cười rôm rả từng câu chuyện kể cho nhau nghe nhưng mọi người vẫn chăm chỉ làm việc, phối hợp nhịp nhàng. “Cảm xúc khó tả khi quay lại công việc đã gắn bó cùng mình. Nơi có chị em, tình xóm giềng giúp nhau trong công việc, có nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, giải tỏa áp lực cho những ngày khó khăn”, chị Lê Thị Hương ở ấp Hưng Long bộc bạch.
Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phong Nguyễn Thanh Liêm cho biết: UBND xã đã xây dựng phương án cho hoạt động kinh doanh trên địa bàn trong giai đoạn mới. Hướng dẫn các cơ sở xuất, kinh doanh hoạt động trở lại tuân thủ tốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, sản xuất an toàn và an toàn mới sản xuất đúng theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục kiểm tra và hướng dẫn cho các hộ sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện hoạt động được thuận lợi. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ các điều kiện về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bài, ảnh: Lê Đệ