Về thăm “xã đảo” Hưng Phong

03/05/2021 - 07:20

BDK - Hưng Phong thuộc Tiểu vùng 3 của huyện Giồng Trôm, cách trung tâm huyện 22km, phía Đông giáp với xã Phước Long, Thạnh Phú Đông; phía Bắc giáp xã Sơn Phú (Giồng Trôm) ngăn cách với các xã bởi con sông Hàm Luông nhỏ; phía Tây giáp xã Định Thủy; phía Nam giáp các xã Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày Nam) ngăn cách bởi nhánh sông Hàm Luông lớn. Ngày 20-4-2021, cùng với xã Tam Hiệp (Bình Đại), Hưng Phong được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo của tỉnh.

Phà Hưng Phong hàng ngày đưa rước khách.

Phà Hưng Phong hàng ngày đưa rước khách.

Chủ tịch UBND xã Võ Hoàng Trung cho biết, toàn xã có diện tích đất tự nhiên 1.227ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 619ha. Xã có 4 ấp là Hưng Long, Hưng Phú, Hưng Quí, Hưng Điền, với 1.524 hộ dân và 6.200 nhân khẩu, trong đó có 224 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,69% và 32 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,09%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay chỉ đạt 39 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung trong huyện.

Người dân Hưng Phong sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trong đó dừa là cây chủ lực với diện tích trên 596ha. Hàng năm, thường từ tháng 6 - 8, nước mặn xâm nhập sâu, kéo dài. Khi triều cường dâng cao, hầu hết các tuyến đường trong xóm, ấp bị ngập, có nơi ngập sâu đến 0,8m. Địa bàn xã là đất vùng trũng, có bờ sông bao quanh khoảng 25km, chưa được đầu tư xây dựng đê bao khép kín. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, sức ép từ dòng chảy của tuyến sông Hàm Luông làm cho địa hình của xã ngày càng bị xói mòn, sạt lở nhiều nơi, đặc biệt là vị trí đầu cồn thuộc ấp Hưng Long và vị trí cuối cồn thuộc ấp Hưng Điền, hiện có đến 39 hộ dân nằm trong phạm vi sạt lở cần được di dời đến nơi an toàn.

Trong 5 năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Phong có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất. Cây trồng chính của xã là dừa nhưng do điều kiện, thổ nhưỡng ảnh hưởng, năng suất chỉ đạt 14.400 trái/ha/năm. Thực hiện mô hình sản xuất 100 triệu đồng/ha/năm, qua rà soát xét duyệt có 425 hộ; nông dân sản xuất giỏi cấp huyện có 81 hộ, cấp tỉnh 4 hộ. Các tổ hợp tác có hình thành, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Đàn heo duy trì khoảng 5.000 con, xuất chuồng hàng năm khoảng 1.500 tấn, gia cầm khoảng 25.000 con. Tiểu thủ công nghiệp được quan tâm, có làng nghề đan giỏ cọng đừa, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, thạch dừa, than thiêu kết hình thành với 76 cơ sở, khoảng 650 hộ, giá trị hàng năm đạt khoảng 70 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 3.422 lao động.

Thủ công mỹ nghệ từ dừa là nghề lâu đời của xã nhưng hiệu quả chưa cao, do còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính ổn định. Thương mại, dịch vụ có phát triển nhưng còn nhỏ lẻ, du lịch có khởi động nhưng chưa phát triển, chỉ có 4 hộ làm du lịch nhưng chưa thành công.

Ông Nguyễn Văn Năm, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Trang Dung, Ấp 2, xã Hưng Phong cho biết: “Tôi sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ giỏ xách, ví. Mấy năm đầu rất thành công, chủ yếu là sử dụng nguồn nguyên vật liệu ở địa phương. Sản phẩm làm ra tiêu thụ khá tốt. Hàng trăm sản phẩm các loại từ dừa được bán tại các siêu thị trong nước, dần dần xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở gặp nhiều khó khăn đầu ra cho sản phẩm”.

Trưởng ấp Hưng Phú Nguyễn Văn Phong cho biết: Đa số bà con sống chủ yếu bằng nghề vườn nhưng do ảnh hưởng của hạn mặn, các vườn dừa trù phú trước đây nay đã xơ xác. Trong ấp chỉ có khoảng 10 hộ còn đất vườn diện tích trên 1ha, còn lại mỗi hộ chỉ vài công đất nên không thể phát triển lên khá giàu được, nhất là đầu ra của dừa rất thấp, trừ một số hộ mở thêm cơ sở sản xuất thạch dừa. Ấp còn 33 hộ nghèo. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, ấp thực hiện nhiều giải pháp như lồng ghép các chương trình, dự án của các đoàn thể để đầu tư chăn nuôi, làm hàng thủ công mỹ nghệ, buôn bán, du lịch nhưng chưa thành công, dự kiến sẽ thoát nghèo chỉ khoảng 10%.

“Với các chính sách dành cho xã đảo, hy vọng Hưng Phong sẽ có điều kiện tiếp nhận các nguồn đầu tư, nhất là đầu tư hệ thống đê bao, giao thông, bến bãi, phát triển kinh tế… Như thế, đời sống người dân sẽ bớt khó khăn, vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, cái chính là người dân phải tự cải thiện cuộc sống của mình, không trông chờ, ỷ lại”, Trưởng ấp Hưng Phú Nguyễn Văn Phong bày tỏ.

Chủ tịch UBND xã Võ Hoàng Trung cho biết: “Tôi đang nghiên cứu các quy định của xã đảo để có chương trình, kế hoạch tập trung phát triển. Khó khăn của người dân hiện nay là phát triển kinh tế, bởi đa số sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó cây trồng, vật nuôi là chính nhưng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn, cây trồng ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu có hệ thống đê bao thì sẽ xoay chuyển được tất cả, khôi phục lại vườn cây trái, kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Chúng tôi mong rằng, việc công nhận xã đảo là cơ hội lớn để tập trung phát triển, đưa xã đi lên”.

Trên địa bàn xã Hưng Phong, nhiều công trình xây dựng cơ bản được quan tâm đầu tư xây mới và duy tu, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và lưu thông hàng hóa. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt chuẩn đảm bảo ô tô đi lại dễ dàng với tổng chiều dài 16,9km. Đường trục ấp, liên ấp có 6,75km, đã xây dựng bê-tông hoàn chỉnh 5 tuyến đạt chuẩn 4,75km. Đầu tư xây mới 19 cầu bê-tông. Phà Hưng Phong cũng đã được đầu tư và hoạt động ổn định. Tuy nhiên, toàn bộ trục đường chính trong xã đã bị sụp lún, xuống cấp nghiêm trọng.

  Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN