Hướng dẫn viên, thuyết minh viên: Cần am hiểu và sáng tạo

14/11/2018 - 07:38

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ dành riêng cho đối tượng là hướng dẫn viên du lịch và hướng dẫn viên tại điểm, thuyết minh viên tại di tích. Lớp bồi dưỡng là một trong các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đáp ứng phần nào trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách làm bánh tại điểm du lịch Nông trại sinh thái Sân chim Vàm Hồ (Ba Tri).

Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách làm bánh tại điểm du lịch Nông trại sinh thái Sân chim Vàm Hồ (Ba Tri).

Không ngừng sáng tạo

Trao đổi tại lớp tập huấn, các học viên đã đánh giá lại những thay đổi trong thói quen du lịch của du khách hiện nay. Công nghệ phát triển, internet được kết nối toàn cầu đã xóa nhòa khoảng cách về địa lý. Vì vậy, khách du lịch ngày nay đã có sự chủ động hơn trước rất nhiều. Họ cần đi đến đâu thì mọi thông tin về điểm đến đều có thể tra cứu một cách dễ dàng trên mạng internet. Với công nghệ, du khách hoàn toàn làm chủ mọi thông tin cần thiết trước chuyến đi. Mọi người có thể tìm thông tin về các điểm đến để lựa chọn nơi mình thích, tìm chỉ đẫn đường đi, lựa chọn và đặt nơi lưu trú, phương tiện di chuyển…

Theo ý kiến của nhiều người, nhất là giới trẻ thì hiện nay họ thích đi du lịch theo hình thức tự do để tự khám phá một điểm đến hơn là đặt một tour du lịch thông qua công ty lữ hành và gò bó với hướng dẫn viên du lịch. Đi du lịch “phượt”, du lịch tự túc đang trở thành xu hướng phổ biến.

Đặt tour tham quan bây giờ là các đoàn lớn của các cơ quan, đơn vị, đi theo hình thức team building. Hình thức du lịch này lại đòi hỏi hướng dẫn viên không chỉ có năng lực thuyết minh, giới thiệu thông tin điểm đến mà còn phải có khả năng tổ chức, quản trò, dẫn chương trình, hoạt náo cho khách. Vai trò của hướng dẫn viên dẫn tour và hướng dẫn viên tại điểm du lịch đã và đang đứng trước các thử thách. Vấn đề đặt ra, với công nghệ hiện đại liệu có thay thế vai trò của hướng dẫn viên hay không?

Công nghệ mang lại nhiều tiện ích nhưng máy móc không thể thay thế được sự sáng tạo cũng như những cảm xúc hình thành trong tương quan giữa người với người. Công nghệ đưa thông tin đến với du khách nhanh nhất nhưng chính hướng dẫn viên mới tạo nên không khí vui tươi, sảng khoái cho du khách khi đến tham quan một điểm du lịch. Người hướng dẫn viên giữ vai trò như là “chủ nhà” đón khách, chạm đến cảm xúc của du khách khi đi du lịch. Vì vậy, để có thể phục vụ tốt hơn trước những yêu cầu của du khách, người hướng dẫn viên phải luôn sáng tạo trong tiến trình phát triển.

Luôn cập nhật thông tin

Trong hướng dẫn, hướng dẫn viên phải làm sao nói với khách một cách chất lượng hơn nguồn thông tin mà khách có thể dễ dàng tìm thấy trên internet. Ths. Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn, báo cáo viên của lớp tập huấn cho rằng: “Hướng dẫn viên giỏi hay không, không căn cứ vào việc nói năng lưu loát, nói nhiều như thế nào mà dựa vào việc trả lời được bao nhiêu câu hỏi của du khách. Điều này đòi hỏi kiến thức của hướng dẫn viên phải chính xác, nắm chắc vấn đề, hiểu thông tin một cách sâu sắc. Muốn vậy, người hướng dẫn viên cần chịu khó đọc sách, đọc tài liệu để nắm chắc kiến thức, biết kiểm chứng thông tin nào không chính xác. Hướng dẫn viên cần đưa tính khoa học vào các thông tin giới thiệu với du khách, nhất là khi giới thiệu về các sản phẩm mỹ nghệ từ dừa, lợi ích của các đặc sản quê hương. Khi đưa hàm lượng khoa học vào thông tin, hướng dẫn viên sẽ tạo được sự tin tưởng và thuyết phục du khách”.

Chị Phạm Thị Trúc Phương - thuyết minh viên tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định chia sẻ: “Tại điểm của mình, ngoài thông tin về cô Ba Định, du khách cũng hay hỏi thêm các vấn đề liên quan đến các điểm du lịch khác của tỉnh. Khách có nhu cầu nhưng nếu mình không hiểu biết nhiều thông tin thì cũng không dám nói nhiều với khách. Sách vở là một chuyện nhưng bản thân mình còn tìm hiểu thông tin, học hỏi từ nhiều người. Công nghệ sẽ là phương tiện để giúp người hướng dẫn viên hoàn thiện mình hơn”.

Cảm xúc nói cũng không kém phần quan trọng đối với hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên khi hướng dẫn cho du khách cần “truyền được lửa”, khơi gợi được cảm xúc đến cho du khách thông qua ánh mắt, lời nói, thuyết phục được khách có tình cảm với nơi đến. Chính vì vậy, người hướng dẫn viên phải đổi mới mình thường xuyên, đừng để rơi vào cách diễn đạt theo lối mòn, chai sạn cảm xúc.

 Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhiên - hướng dẫn viên Khu du lịch Cồn Phụng cho biết: “Qua buổi học, tôi có một cách nhìn khác đối với nghề để biết cách phục vụ khách hàng tốt hơn. Tôi thấy mình còn cần phải học tập nhiều hơn để có thể giới thiệu với khách những nét đẹp văn hóa của tỉnh chứ không chỉ nói chung chung, nói suông. Đồng thời, tôi cũng cần thường xuyên cập nhật bản tin du lịch tỉnh, cập nhật thông tin về kinh tế - xã hội của tỉnh để giới thiệu với khách một cách chính xác”. 

Theo xu thế phát triển của ngành du lịch hiện đại, trước những thay đổi trong xã hội cũng như nhu cầu về du lịch của du khách, vai trò của hướng dẫn viên tại điểm du lịch càng trở nên quan trọng hơn. Có am hiểu, truyền tải được phần chất, phần hồn của địa phương, của điểm du lịch, người hướng dẫn viên mới đáp ứng được nhu cầu quan trọng nhất của du khách. Đây cũng chính là cảm nghiệm được tình cảm chân thật của con người tại vùng đất mà họ đặt chân đến tham quan, khám phá.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN