
Khảo sát cải cách thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Hạn chế và nguyên nhân
Một số hạn chế được nhìn nhận là: Công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ còn thiếu nhịp nhàng, đồng bộ. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức còn chậm trễ, tính năng động, chuyên nghiệp của cán bộ, công chức chưa cao. Các nội dung về cải cách tài chính công chưa đạt yêu cầu, hiện đại hóa nền hành chính thực hiện chưa tốt, nhất là tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 4 chưa nhiều. Những hạn chế đó đã dẫn đến sự đánh giá về kết quả CCHC chưa đạt yêu cầu đề ra, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh ở mức khá thấp. Năm 2016 hạng 47/63, năm 2017 hạng 62/63, năm 2018 hạng 55/63, năm 2019 hạng 63/63 của cả nước.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu, nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là do các cấp ngành chưa nhận thức đúng mức về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của CCHC nên thiếu tính chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị thiếu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp, ít kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Năng lực thực hiện nhiệm vụ CCHC một số cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, còn trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Một số nội dung, giải pháp còn chung chung. Việc đầu tư nguồn lực, nhân lực cho công tác CCHC chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại. Nhận thức của người dân về chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước chưa cao nên chưa tích cực phối hợp thực hiện, đặc biệt là đối với DVCTT.
Theo Bí thư Đảng ủy phường An Hội, TP. Bến Tre Phạm Văn Trung, tại TP. Bến Tre, các xã, phường, UBND thành phố đã có kế hoạch triển khai, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP. Bến Tre. Đến nay, TP. Bến Tre đã cấu hình tải 53/220 TTHC công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, 25/112 TTHC công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.
Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện từ thực tế cấp cơ sở còn một số khó khăn cần được tỉnh hỗ trợ như: Chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị, bố trí máy tính, máy Scan riêng để người dân vào truy cập sử dụng dịch vụ. Người dân chưa quen sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng DVCTT, ngại nộp hồ sơ trực tuyến, sợ mất hồ sơ, muốn nhận kết quả tại cơ quan cung cấp dịch vụ…
Đề xuất các giải pháp
Để nhân dân sử dụng rộng rãi các DVCTT mức độ 4 thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã thời gian tới, Bí thư Đảng ủy phường An Hội, TP. Bến Tre Phạm Văn Trung kiến nghị, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nhà nước trên địa bàn cung cấp đầy đủ DVCTT mức độ 4 (đối với các thủ tục đủ điều kiện) trong năm 2020. Các thủ tục có liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì cấp cơ sở phải kết nối liên thông, liên kết dữ liệu với Cổng thông tin điện tử của các sở, ngành như các TTHC của Phòng Quản lý đô thị, Kinh tế - Hạ tầng, phải liên thông, liên kết dữ liệu với Sở Xây dựng (hiện nay chưa làm được). Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng DVCTT.
Theo Phó bí thư Tỉnh Đoàn Võ Tuấn Thông, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động cho đoàn viên hướng dẫn người dân thực hiện các DVCTT. Theo đó, Đội hình Thanh niên xung kích của 9/9 huyện, thành phố sẽ tổ chức ra quân tại Bộ phận một cửa của UBND các huyện, thành phố, Đội hình Thanh niên xung kích các xã, phường, thị trấn sẽ tổ chức ra quân tại Bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn trước ngày 15-12-2020.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu, công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC là bước ngoặt trong quá trình CCHC. Với sự ra đời của Cổng DVCTT của tỉnh cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 đã làm thay đổi hoàn toàn cơ chế giải quyết TTHC, chuyển từ truyền thống sang hiện đại. Cổng này được xây dựng từ năm 2015, hiện có 17 đơn vị cấp tỉnh, huyện, thành phố và 157 xã, phường, thị trấn sử dụng cung cấp DVCTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, cổng đã cung cấp được 1.356 DVCTT với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết ở mức độ 3, 4 từ đầu năm 2020 đến nay là 71 ngàn hồ sơ.
Thời gian tới, đối với các thủ tục thực hiện chưa cung cấp thành DVCTT mức độ 4 thì hàng năm cần rà soát tái cấu trúc quy trình xử lý để có thể cung cấp DVCTT mức độ 4 và sẽ thực hiện đến khi hoàn thành chỉ tiêu 100% TTHC. Tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về DVCTT cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn nhằm thay đổi thói quen sử dụng DVCTT thông qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp giúp người dân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý phù hợp nhất” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu nhấn mạnh.
Năm 2020, công tác cải cách hành chính được cả hệ thống chính trị quan tâm sâu sắc. Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống chính trị” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm; “phấn đấu đưa Chỉ số Cải cách hành chính vào nhóm 20 của cả nước” là một trong những nhiệm vụ đột phá. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy ban hành Đề án Cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, toàn diện và tổ chức đồng bộ, thống nhất các nội dung từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bộ máy, hiện đại hóa nền hành chính trong hệ thống chính trị và thực hiện thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: Hữu Hiệp