
Tổ chức diễu hành nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại huyện Bình Đại.
Tưởng nhớ công đức Vua Hùng
Cùng cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 năm Giáp Thìn (tức ngày 18-4-2024), các đình thần trong tỉnh đồng loạt tổ chức ngày lễ hội đầy ý nghĩa này. Đây là dịp để toàn thể nhân dân tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên, các bậc tiền bối trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Những ngày này, tất cả các đình làng trên địa bàn tỉnh rộn ràng chuẩn bị cho ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - một trong những kỳ lễ trọng đại nhất trong năm của đình làng. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với lòng thành kính, tri ân như câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.
Việc tôn thờ công đức các vua Hùng đã được trao truyền qua các thế hệ. Đây không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối tình đoàn kết yêu thương của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Sinh thời, trong một lần ghé thăm Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dặn dò quý báu ấy của Bác đã trở thành câu khẩu hiệu tuyên truyền ý nghĩa trên toàn quốc, nhất là vào dịp Quốc giỗ Hùng Vương.
Nghi thức cúng lễ
Hướng đến ngày Quốc giỗ Hùng Vương, các hoạt động tuyên truyền, trang trí, văn hóa, thể thao được tổ chức nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là phần nghi thức cúng lễ tại các đình thần. Đại diện Ban Quản lý đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre cho biết: Năm nay, đình được chọn làm điểm cấp thành phố, ngoài phần dâng phẩm vật với bánh chưng - bánh dày và các loại bánh dân gian, dâng hương tưởng nhớ công ơn các vua Hùng của lãnh đạo các địa phương, Ban Khánh tiết đình sẽ có các nghi thức lễ cúng theo thông lệ và lễ tế liệt sĩ - Mẹ Việt Nam anh hùng; sau đó tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian. Hiện các địa phương đang tiến hành trang trí cờ hoa, băng-rôn tuyên truyền tại các điểm tổ chức và trụ sở các cơ quan, trường học. UBND tỉnh đã có thông báo về việc treo cờ Tổ quốc dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Theo định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa đặc biệt và nhân văn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, công lao của các vua Hùng và các bậc tiền nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc; qua đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về truyền thống văn hiến, yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào về cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội đối với công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cổ vũ các tầng lớp nhân dân chung tay, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt