Quê hương Đồng Khởi thực hiện di chúc của Bác, Bài 1:

Huy động hiệu quả nguồn lực xây dựng quê hương

26/08/2019 - 09:07

BDK - Niềm tự hào, phấn khởi về đất và người xứ Dừa hôm nay đó là sự chia sẻ, đồng cảm của những ai từng đặt chân trở về lại nơi đây sau nhiều năm đổi mới; Bến Tre giờ đã khoác lên diện mạo khang trang, khí hậu trong lành và đáng sống.

Đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương. Ảnh: Thanh Đồng

Đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương. Ảnh: Thanh Đồng

Bức tranh nông thôn mới

Cầu Rạch Miễu phá thế biệt lập của vùng đất ba dải cù lao, Bến Tre giờ chỉ cách TP. Hồ Chí Minh hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô. Từ “cây cầu của thế kỷ”, tỉnh đã vươn mình phát triển. Nông thôn mới (NTM) giờ đã thay thế cầu khỉ bằng cầu bê-tông kiên cố tạo sự an toàn và thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hiện 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; trải nhựa và bê-tông 4.370km.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã làm thay đổi gần như toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 10 năm thực hiện chương trình, đến nay, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, những xã về đích NTM đầu tiên của tỉnh như xã Châu Bình (Giồng Trôm) và Sơn Định (Chợ Lách), Phú Nhuận (TP. Bến Tre) cũng đang hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã này từ 30 triệu đồng/người (năm 2014), đến nay đã đạt trên 47 triệu đồng/người/năm.

Chợ Lách là huyện được tỉnh chọn tập trung xây dựng NTM, trong đó mục tiêu cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chợ Lách phải trở thành huyện NTM. Đánh giá lại quá trình 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn cũng như đời sống của nhân dân Chợ Lách có nhiều chuyển biến, đổi thay tốt đẹp hơn. Số liệu so sánh cho thấy, thực trạng năm 2011, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 17,26 triệu đồng/người/năm thì đến 30-6-2019, huyện đạt 46,04 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 từ 11,48% hiện giảm còn 3,77%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 85%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 52,74%...

Hay như huyện biển Thạnh Phú cũng đang trở thành điểm sáng của tỉnh, từ thấp hơn đến trung bình, hiện thu nhập trung bình của người dân nơi đây đã cao hơn mức bình quân của tỉnh. Kinh tế nông nghiệp hình thành từng mảng rõ nét, có sản phẩm cụ thể như: sản phẩm lúa hữu cơ, tôm biển, dừa, xoài… Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên du lịch Thạnh Phú vượt con số trên 400 ngàn lượt khách, cao gấp 3 lần so với dân số của huyện. Năm 2019, du lịch huyện tiếp tục bứt phá. “Kỳ vọng lớn của huyện là trung tâm cung cấp những sản phẩm chất lượng hữu cơ, sạch không chỉ cho tỉnh mà cho cả nước” - Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Nguyễn Trúc Sơn cho biết.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đô thị cũng được tập trung và có bước đột phá. TP. Bến Tre đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn đô thị loại II. Thị trấn Ba Tri, thị trấn Bình Đại đã được công nhận đô thị loại IV. Toàn tỉnh có 12 trung tâm xã được công nhận đô thị loại V. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang đầu tư, không gian, kiến trúc đô thị được cải thiện rõ nét.

Nhìn chung, hệ thống hạ tầng điện, cung cấp nước sạch, bưu chính, viễn thông trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh không ngừng được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cao chất lượng phục vụ. Các công trình hạ tầng thiết yếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn trong việc đi lại, học tập, giao lưu hàng hóa, ổn định cuộc sống, góp phần đáng kể vào việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2018 còn 6,08%.

Hoạt động phổ cập giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, mạng lưới giáo dục nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Toàn tỉnh hiện có 201 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 38,73% số trường. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Cơ sở vật chất khám chữa bệnh và mạng lưới y tế nông thôn được chú trọng thực hiện bằng nhiều nguồn vốn, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên.

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn. Ảnh: T.Đồng

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn. Ảnh: T.Đồng

Kết hợp ngoại - nội lực

Mục đích trên hết của những chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, huy động ngoại lực, phát huy nội lực đều nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đó cũng là thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cho người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.

Theo kết quả thực hiện nghị quyết về “tam nông”, tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2008 - 2017 là 113 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh là 80,2 ngàn tỷ đồng. Đến giữa nhiệm kỳ (tháng 6-2018), kết quả đạt trên 36,4 ngàn tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ước thực hiện đạt 8,6 ngàn tỷ đồng, trong đó, ước chi đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước là 1,9 ngàn tỷ đồng.

Có thể thấy như huyện Thạnh Phú, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã huy động trên 20 ngàn tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách 960 tỷ đồng, doanh nghiệp 20 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 17 tỷ đồng, còn lại các nguồn vốn ODA, phi chính phủ…

Các xã trên địa bàn huyện biển Ba Tri cũng đã nỗ lực huy động các nguồn lực để góp phần phát triển quê hương theo chủ trương của Tỉnh ủy về tinh thần tiếp tục tăng tốc, bứt phá trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. An Ngãi Tây là một trong những xã bãi ngang và được chọn làm 1 trong 19 xã điểm của tỉnh để thực hiện công tác giảm nghèo. Theo ông Mai Văn Bốn - Chủ tịch UBND xã An Ngãi Tây, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/người/năm; phấn đấu cuối năm 2019 đạt 42 triệu đồng/người.

An Hiệp, huyện Ba Tri cũng là một trong những xã có nhiều hộ nghèo nhất của tỉnh và đang chuyển đổi nhanh trong công tác giảm nghèo, người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo đáng trân trọng. Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết, tỷ lệ giảm nghèo của xã từ 2 - 4% hàng năm. Thời gian sau này, nhờ có chính sách giảm nghèo, kể từ năm 2018, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm tăng 4 - 5%, do xã đã chọn triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế cho dân. Xã đạt 10/19 tiêu chí NTM; khả năng 2019 đạt 13 tiêu chí. Trong việc huy động nguồn lực, xã có xây dựng kế hoạch vận động xây dựng giao thông nông thôn hàng năm, riêng năm nay đã xây dựng 3 tuyến đường, vận động nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng, đến thời điểm này đã vận động đạt trên 50%. Cũng trong năm 2019, xã vận động mạnh thường quân xây dựng thêm 5 cây cầu bê-tông trị giá gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện hỗ trợ xã vận động riêng 1 chiếc cầu 5 tỷ đồng.

“Năm nay, việc vận động giao thông nông thôn theo tinh thần tăng tốc, bứt phá, kết quả đạt gấp 4 - 5 lần so với các năm trước. Trước đây vận động hộ dân khoảng 200 ngàn đồng/hộ nhưng năm nay có hộ tự nguyện đóng góp 3,5 triệu đồng với sự hài lòng rất cao” - ông Lê Văn Chiến phấn khởi.

Có thể nói, kết quả của việc đầu tư toàn diện trong thời gian qua đã tạo nền tảng thuận lợi cho Bến Tre xây dựng NTM, phát triển “tam nông”, góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Thanh Đồng - Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN