Huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người nghèo vươn lên

22/03/2021 - 06:32

BDK - Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), ở giai đoạn cuối là những hộ nghèo khó thoát nghèo nhất. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho người nghèo có ý chí phấn đấu tự vươn lên, đồng thời huy động nguồn lực vốn và hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn.

Nhiều lao động nữ học nghề nấu ăn để làm việc ở các trường học mầm non, điểm giữ trẻ.

Nhiều lao động nữ học nghề nấu ăn để làm việc ở các trường học mầm non, điểm giữ trẻ.

Thực trạng hộ nghèo

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2020, toàn tỉnh có 29.589 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trong đó, có 14.218 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,58% so với tổng số hộ dân của tỉnh và 15.371 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,87% so với tổng số hộ dân. Hơn 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sống tập trung ở khu vực nông thôn.

Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Ba Tri với tỷ lệ 5,56%, thấp nhất là TP. Bến Tre với tỷ lệ 1,18%. Toàn tỉnh có 29 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, giảm 1 xã, đó là xã An Nhơn (Thạnh Phú) hiện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đạt chuẩn nông thôn mới. Có 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 7% trở lên, trong đó: 4 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 10 - 13% là xã An Đức, An Hiệp, An Hòa Tây (Ba Tri) và Hưng Phong (Giồng Trôm); 9 xã có tỷ lệ từ 7% đến dưới 10%. 31 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 4% đến dưới 7% và 113 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%.

Xét về góc độ đa chiều, hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập là 10.488 hộ, hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là 3.730 hộ. Trong tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo, có gần phân nửa số hộ do nữ làm chủ hộ, chiếm tỷ lệ 48,79%. 8 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo có chủ hộ là người dân tộc thiểu số. 109 hộ nghèo, 193 hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. 3.049 hộ nghèo và 910 hộ cận nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.

Qua rà soát đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2020, trong 10 chỉ tiêu đánh giá về tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, hiện đa số người nghèo không có bảo hiểm y tế. Cụ thể, có đến 10.845 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 76,28%; 13.193 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 87,57% không có bảo hiểm y tế.

Giải quyết việc làm

Đánh giá cho thấy, càng về giai đoạn cuối kỳ, số hộ nghèo khó thoát nghèo càng nhiều. Trong tổng số 29.589 hộ nghèo và hộ cận nghèo được phân loại như sau: Nhóm 1 gồm nhóm hộ nghèo, cận nghèo có đất sản xuất, có lao động tham gia hoạt động kinh tế nhưng thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu thông tin kiến thức làm ăn là 8.959 hộ, tương đương 30,2%. Nhóm 2 là nhóm hộ nghèo, cận nghèo không có hoặc thiếu đất sản xuất, có lao động nhưng việc làm không ổn định là 16.369 hộ, tương đương 55,3%. Nhóm 3 là hộ nghèo, hộ cận nghèo có người bị bệnh tật không thể lao động bình thường, thuộc diện bảo trợ xã hội là 3.959 hộ, tương đương 13,3%. Cuối cùng là nhóm hộ thuộc diện chính sách ưu đãi người có công 109 hộ nghèo và 193 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,02%. Qua số liệu phân tích, nhóm hộ có khả năng phát triển sinh kế có thể vươn lên thoát nghèo của kế hoạch là 25.328 hộ, chiếm 85,6% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo.

 Đa số các hộ nghèo, hộ cận nghèo cho rằng, nhu cầu để thoát nghèo là được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo đất, đầu tư cây trồng, mua phương tiện sản xuất; kế đến là nhu cầu hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, học nghề làm việc tại địa phương. Người nghèo cũng mong muốn được bồi dưỡng, trang bị kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận thị trường và hướng dẫn cách làm ăn.

Mục tiêu phấn đấu

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đưa ra kế hoạch phấn đấu cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3%, cụ thể là giảm 0,58%, tương đương với 2.303 hộ nghèo thoát nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, đề ra mục tiêu tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển sinh kế, tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay và có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, được tập huấn về khuyến nông, lâm, ngư.

Nhiều lao động ở nông thôn rất cần việc làm tại chỗ.

Nhiều lao động ở nông thôn rất cần việc làm tại chỗ.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển phù hợp với quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. Phấn đấu cuối năm 2021, thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20 - 25%, bình quân có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, thoát cận nghèo. Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường, lớp.

 Song song đó, tập trung vận động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đối với lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo. Giải quyết việc làm cho 50% số nhân khẩu nghèo, cận nghèo có khả năng lao động. Đào tạo cho 30% số nhân khẩu nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động không có tay nghề.

Ông Nguyễn Hoàng Dân - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cho biết: “Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19, hạn mặn ảnh hưởng sản xuất và chăn nuôi của người dân, cộng với càng về cuối kỳ (cuối kỳ đánh giá chuẩn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 - PV) là những hộ nghèo khó khăn nhất nên công tác giảm nghèo là rất khó. Do đó, cần tập trung nâng cao nhận thức cho người nghèo tự phấn đấu vươn lên. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người nghèo về vốn và tư vấn cách làm ăn”.

Bải, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN