Huyện Chợ Lách chủ động phòng chống triều cường, xâm nhập mặn

20/10/2023 - 20:23

BDK.VN - Triều cường, xâm nhập mặn là một trong những hiện tượng thiên tai thường xuyên xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong đó, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhận thức được tình trạng này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống triều cường, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Mô hình ao chứa nước ngọt dung tích trên 1.000m3 của anh Đặng Hồng Sơn tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách.

Mô hình ao chứa nước ngọt dung tích trên 1.000m3 của anh Đặng Hồng Sơn tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách.

Chú trọng đầu tư các công trình

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, mùa khô năm 2023-2024, khả năng cao triều cường, xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn so với nhiều năm trước đây và kéo dài. Mặn có thể xâm nhập sâu vào các nhánh sông chính như Hàm Luông, Cổ Chiên và các kênh rạch phụ thuộc. Xâm nhập mặn năm 2023-2024 sẽ có nồng độ tương đương với nồng độ hạn mặn năm 2016 cùng với hiện tượng Elnino gây nắng nóng kéo dài trên diện rộng, mặn sẽ ảnh hưởng lớn đến huyện nếu như không có sự chủ động ứng phó. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho ngành nông nghiệp và ngành cấp nước của các địa phương cũng như huyện Chợ Lách.

Trước tình hình đó, UBND huyện Chợ Lách đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp, chú trọng đầu tư các công trình nhằm ứng phó thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị, trong năm 2023, huyện đã đầu tư xây dựng và cải tạo rất nhiều công trình thủy lợi tại các xã có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cương, xâm nhập mặn. Trong số đó, có 120 tuyến đê bao với tổng chiều dài hơn 242km, bảo vệ được hơn 10.200ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện còn xây dựng các công trình khác như cống thoát nước, cống ngăn mặn, máy bơm... để kiểm soát được lượng nước vào và ra khu vực sản xuất.

Đa dạng hình thức trữ nước ngọt

Cùng với việc gia cố các hệ thống đê bao, điểm sạt lở nghiêm trọng, các công tác khác cho phòng chống xâm nhập mặn cũng đang được địa phương ráo riết triển khai. Trong đó, việc bảo vệ và trữ nước ngọt trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Lách có 10 nhà máy nước, cơ bản đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, với tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đạt trên 80%.

Sáng kiến xà lan chở kobe tách đôi để hỗ trợ nạo vét, đắp đê bao trên những kênh, rạch nhỏ hẹp do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề xuất.

Sáng kiến xà lan chở kobe tách đôi để hỗ trợ nạo vét, đắp đê bao trên những kênh, rạch nhỏ hẹp do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề xuất.

Đối với việc trữ nước, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích người dân nạo vét kênh mương, thực hiện mô hình hồ lót mũ bạc sức chứa trên 100m3; hiện trong huyện trên 1.200 hồ, tập trung các xã Tân Thiềng, Long Thới, Vĩnh Thành… Từ đó, người dân huyện Chợ Lách đã ý thức hơn trong việc chủ động xây dựng các ao lót bạt và túi trữ để ứng phó hạn mặn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 500 ao lót bạt có diện tích trên 200m3 và hơn 1.000 túi trữ có dung tích từ 5 - 25m3. Những biện pháp này đã giúp người dân có thể tự cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian ngắn.

Ông Đặng Hồng Sơn, ngụ tại ấp An Quy, xã Long Thới, huyện Chợ Lách chia sẻ: “Khi nghe dự báo về tình hình nhiễm mặn trong mùa khô năm nay sẽ kéo dài và có sức ảnh hưởng nghiêm trọng nên tôi và gia đình đã chủ động xây dựng 1 ao chứa nước ngọt với dung tích hơn 100m3 để tưới cây giống”.

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết thêm, để đầu tư và nâng cấp các công trình thủy lợi như kênh rạch, đê bao, cống rãnh, trong năm 2023, phòng đã liên kết với 3 đơn vị hỗ trợ các vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác nạo vét, đắp đê tại các xã. Trong đó, có sáng kiến xà lan tách đôi chở kobe để hỗ trợ nạo vét, đắp đê bao trên những kênh, rạch nhỏ hẹp. Sáng kiến này giúp cho hoạt động nạo vét các kênh mương diễn ra thuận lợi, tốn ít sức lao động nhưng mang lại hiệu quả tương đối cao… Nhờ có những thiết bị hiện đại, công tác nạo vét, đắp đê của huyện trong thời gian tới đảm bảo sẽ được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả, góp phần cải thiện khả năng chứa và dẫn nước của hệ thống thủy lợi, ngăn chặn và giảm thiểu xâm nhập mặn.

Bài, ảnh: Bảo Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN