Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các xã bãi ngang

12/01/2024 - 05:52

BDK - Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Công tác giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao mức sống hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã bãi ngang là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo.

Sản xuất nông nghiệp tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại.

Sản xuất nông nghiệp tại xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại. 

Giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 5,41%

Thời gian qua, việc bố trí kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn các xã bãi ngang được tỉnh triển khai thực hiện theo quy định. Thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã triển khai thực hiện 7 công trình chuyển tiếp và 67 công trình khởi công mới trên địa bàn 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển tại các huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; các công trình chủ yếu là đường giao thông nông thôn. Năm 2022, các huyện đã triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng 14 công trình và thực hiện chuyển tiếp sang năm 2023 là 35 công trình. Năm 2023 khởi công mới 25 công trình và duy tu, bảo dưỡng 22 công trình đường giao thông.

Thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, tỉnh hỗ trợ tiền điện 5.788 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội; mua 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho 573.534 người dân trên địa bàn. Vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 3.718 lượt hộ nghèo, 3.410 lượt hộ cận nghèo, 2.893 lượt hộ mới thoát nghèo, 8.773 lượt hộ vay sản xuất, kinh doanh, tổng kinh phí trên 531 tỷ đồng. Từ nguồn vận động được trong xã hội hóa công tác giảm nghèo, kết hợp với các nguồn hỗ trợ khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tặng hơn 115 ngàn suất quà cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xây dựng mới 125 nhà tình thương, 12 nhà tình nghĩa, 1.500 bồn chứa nước cho hộ nghèo, cận nghèo… với tổng kinh phí thực hiện trên 305 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã bãi ngang trên địa bàn tỉnh giảm từ 9,08% năm 2021, xuống còn 5,41% vào cuối năm 2023, bình quân giảm 1,84%/năm, cao hơn mức giảm chung của tỉnh, huyện.

Việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình đúng mục đích, mang lại nhiều hiệu quả. Các dự án, chương trình đã giúp cho cuộc sống của đại đa số hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế trên địa bàn các xã bãi ngang dần được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao so với đầu năm 2021 (tăng từ 45,3 đồng/người/năm trong năm 2021 lên 66,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2023).

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng, công tác giảm nghèo, tăng thu nhập nâng cao mức sống hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã bãi ngang là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo. Thông qua các chương trình ưu đãi vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tư vấn giới thiệu việc làm và dạy nghề cho lao động nghèo, các xã bãi ngang đã từng bước nâng dần mức sống người nghèo, tạo điều kiện giúp hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhìn chung, chất lượng hoạt động giảm nghèo tại các xã bãi ngang trên địa bàn tỉnh từng lúc được nâng lên theo hướng toàn diện. Đời sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng ngày càng được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các xã bãi ngang trong thời gian qua từng bước được cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Mặt khác, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh, huyện. Việc vận động và huy động nguồn lực đối ứng của địa phương khó khăn, một số dự án, tiểu dự án chưa có hướng dẫn kịp thời nên công tác giải ngân còn chậm so với kế hoạch.

Từ thực tế trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách đối với xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển khi được công nhận lên nông thôn mới hoặc phường, thị trấn. Kiến nghị Bộ Tài chính cần có hướng dẫn hoặc có tiêu chí xác định hộ có thu nhập thấp. Đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề tại Điều 68 Thông tư số 55/2023/TTBTC của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, trùng với đối tượng đào tạo nghề đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; do đó cần có quy định rõ đối tượng thụ hưởng để tránh chồng chéo giữa 2 chương trình.

Mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN