
Mô hình nuôi bò sinh sản của chị Đỗ Thị Trà Mi, ấp Bình Huề 1, xã Đại Hòa Lộc (Bình Đại).
Theo Chủ tịch UBND xã Trương Công Lý - Trưởng ban Chỉ đạo các CTMTQG xã Đại Hòa Lộc, kết quả rà soát, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, toàn xã còn 111 hộ nghèo với 209 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 4,43%, giảm 1,76%; 82 hộ cận nghèo với 262 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 3,27% giảm 2,32%. Cụ thể, ấp Bình Huề 1 có 31 hộ thoát nghèo; trong đó, 13 hộ nghèo chuyển sang cận nghèo và 52 hộ thoát cận nghèo. Ấp Bình Huề 2 có 2 hộ thoát nghèo và 13 hộ thoát cận nghèo. Ấp Bình Lộc có 2 hộ thoát nghèo và 7 hộ thoát cận nghèo. Ấp Mắc Miễu còn 11 hộ thoát nghèo và 4 hộ thoát cận nghèo. Nếu trừ đi số hộ nghèo được hưởng bảo trợ xã hội, mất sức lao động, lớn tuổi không còn khả năng lao động, già yếu… thì tỷ lệ hộ nghèo của địa phương hiện nay còn ở mức 1%.
Để đạt được kết quả như trên, ngay từ đầu năm 2023, từ kết quả rà soát, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo các CTMTQG xã được củng cố, phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần thi đua “Đồng khởi khởi nghiệp, thoát nghèo bền vững”. Ban Chỉ đạo kịp thời phân công các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ với phương châm “cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với hộ nghèo, thể theo nguyện vọng của người nghèo mà xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Theo đó, Hội Cựu chiến binh xã xây dựng 1 mô hình với 9 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xây dựng 1 mô hình với 15 hộ tham gia. Hội Nông dân xã xây dựng và nhân rộng 13 mô hình sinh kế; trong đó, hội mạnh dạn xây dựng mô hình sinh kế nuôi bò sinh sản là mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện và tỉnh.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hòa Lộc Hà Thanh Chiến cho biết: Từ kết quả xây dựng và hiệu quả của các mô hình sinh kế thoát nghèo bền vững của nhiều năm trước, hội đã chọn ấp Bình Huề 1 để xây dựng và nhân rộng mô hình sinh kế với 19 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia nuôi bò sinh sản. Hội phối hợp với UBND xã tổ chức 10 cuộc đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhân dân trên địa bàn ấp Bình Huề 1, có 579 người dự, trong đó có 79 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo. Hội cũng ban hành quyết định thành lập Ban vận động thực hiện mô hình gồm 9 thành viên.
Trong năm qua, Hội Nông dân xã phối hợp với UBND xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chi ủy ấp Bình Huề 1 xét và hỗ trợ 10 căn nhà tình thương. Vận động, trao tặng 632 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tặng học phẩm, học phẩm cho 12 em học sinh. Tổ chức tập huấn 17 cuộc với 510 người đại diện hộ nghèo và cận nghèo trên toàn xã tham dự. Giới thiệu cho 12 hội viên tham gia học nghề và vận động 12 hội viên tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tổ chức cho các hộ nghèo giao lưu, học tập các mô hình, gương điển hình làm ăn có hiệu quả như: tham quan mô hình nuôi bò của chị Nguyễn Thị Điệp; mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Nhanh, hộ chị Đỗ Thị Trà Mi... là những hộ thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế ổn định nhờ các mô hình sinh kế.
“Khi xây dựng mô hình, hàng tuần, hàng tháng, Ban vận động xã thường xuyên xuống tận hộ gia đình thăm hỏi, động viên, chia sẻ kinh nghiệm và nắm chắc tâm tư từng hộ được hỗ trợ vốn chăn nuôi, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Động viên tinh thần để người nghèo phấn đấu, nuôi dưỡng ý chí vươn lên thoát nghèo”.
(Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hòa Lộc Hà Thanh Chiến)
|
Bài, ảnh: Thành Lập