Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

05/12/2024 - 09:04

BDK.VN - Báo cáo tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, so với chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, có 15/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết (NQ); 6/21 chỉ tiêu chưa đạt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,45% (NQ 6,5%), trong đó KV I đạt 2,89/3,84%, KV II 10,62/10,89%, KV III 5,22/6,76%; cơ cấu kinh tế: KV I: 34,29% (NQ 32,87%), KV II: 20,69% (NQ 21,59%), KV III: 41,7% (NQ 42,4%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 18.690/23.500 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người: 57,4/60,3 triệu đồng/người; chưa thành lập được Liên hiệp HTX nông nghiệp; an ninh trật tự: Tai nạn xã hội và tệ nạn xã hội đều tăng so với năm trước.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Tr. Quốc

Thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất của Khu vực I, với mức 3,64%. Công tác ứng phó với xâm nhập mặn được tập trung triển khai quyết liệt, chủ động, với nhiều giải pháp hiệu quả nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn và không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi.

Với nhiều nỗ lực hỗ trợ ngành dừa, dừa tươi của tỉnh đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và giá dừa trái (dừa tươi, dừa công nghiệp) tăng khá từ quý II-2024 đến nay.

Công tác kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được tăng cường. Các đối tượng dịch hại phổ biến như: sâu đầu đen hại dừa, dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên đàn gia súc… được kiểm soát tốt.

Hiện nay, có khoảng 25,97% diện tích dừa của tỉnh tham gia sản xuất hữu cơ và 18,5% diện tích dừa được chứng nhận hữu cơ. Sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả cũng hướng đến sản xuất hữu cơ, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Ước đến cuối năm 2024, công nhận 28/17 xã nông thôn mới (NTM), 16/14 xã NTM nâng cao, 11/5 xã NTM kiểu mẫu so với chỉ tiêu NQ. Lũy kế đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 117 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 46 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu). Hồ sơ đề nghị công nhận huyện Mỏ Cày Nam đạt chuẩn huyện NTM đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận. Các huyện: Châu Thành, Thạnh Phú và Mỏ Cày Bắc cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM. Huyện Chợ Lách cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ dần được phục hồi và mở rộng. Giá trị sản xuất đạt 42.300 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ và đạt 99,53% kế hoạch. Tuy nhiên, quy mô về giá trị sản xuất Khu vực II trong cơ cấu kinh tế chung còn thấp so với Khu vực I và Khu vực III.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm ước đạt 70.855 tỷ đồng, tăng 11,68% so với cùng kỳ và đạt 100,45% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.750 triệu USD, tăng 20,27% so với cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 520 triệu USD, tăng 25,61% so với cùng kỳ và đạt 104% kế hoạch.

Tổng khách du lịch và doanh thu vượt kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ (lượng khách đạt 103,6% kế hoạch, tăng 15% và doanh thu đạt 105,7% kế hoạch, tăng 18,6%).

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.339,9 tỷ đồng, đạt 108,93% dự toán Trung ương giao, 107,46% dự toán địa phương phấn đấu và tăng 13,38% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 6.250 tỷ đồng, đạt 110,04% chỉ tiêu Trung ương giao, đạt 108,51% dự toán địa phương, tăng 14,46% so với cùng kỳ; thu từ xuất nhập khẩu khoảng 80 tỷ đồng, đạt 57,14% chỉ tiêu, bằng 62,78% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước tính 12.343,4 tỷ đồng, đạt 103,28% dự toán Trung ương và đạt 94,62% dự toán địa phương, bằng 99,85% so với cùng kỳ.

Ước đến cuối năm huy động vốn đạt 63.100 tỷ, tăng 11% so với đầu năm; dư nợ đạt 69.200 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tổng số tiền cho vay trong năm 2024 đạt 110 ngàn tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2023. Chất lượng tín dụng được kiểm soát an toàn, nợ xấu chiếm dưới 2% tổng dư nợ.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 18.690 tỷ đồng, giảm 4,89% so với cùng kỳ, đạt 79,53% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý ước giải ngân đạt 95,74% kế hoạch, tăng 17,69% so với cùng kỳ.

Tỉnh đã khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển. Phối hợp với tỉnh Vĩnh Long hoàn thiện hồ sơ thủ tục xây dựng cầu Đình Khao. Hiện đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cửa Đại thuộc tuyến đường bộ ven biển và hoàn chỉnh đề xuất Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh…

Dấu ấn quan trọng là tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024. Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao 6 quyết định chủ trương/giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 8 ngàn tỷ đồng; ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với 23 nhà đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 303 ngàn tỷ đồng. Các thỏa thuận hợp tác được ký kết tại hội nghị là cơ sở ban đầu để các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu, chuẩn bị, quyết định và triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.

Ước đến cuối năm 2024 thành lập mới 106 tổ hợp tác (THT), 17 hợp tác xã (HTX) trên các lĩnh vực; lũy kế toàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTX, 205 HTX và 1.215 THT.

Đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Tr. Quốc

Qua đánh giá năm 2023, nhiều chỉ số liên quan đến cải cách hành chính được cải thiện. Một số chỉ số tăng cao và xếp vị trí cao so với cả nước như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh/thành, tăng 6 bậc. Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) xếp vị trí 19/63 tỉnh/thành, tăng 43 bậc so với năm 2022. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thực hiện. Nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết.

Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chủ quyền vùng biển được giữ vững ổn định. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật giảm 5,29%. Tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt và vượt chỉ tiêu. Các hoạt động đối ngoại và liên kết hợp tác vùng, tiểu vùng có nhiều kết quả tích cực.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, nhìn tổng thể tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Năng suất, chất lượng nông nghiệp, thủy sản giảm do nhiều yếu tố tác động, gây khó khăn trong việc cung ứng chuỗi nông sản của tỉnh. Sản xuất, kinh doanh của một số DN còn khó khăn. Số DN tạm ngừng hoạt động tăng 52,2% so với cùng kỳ. 

Thu hút đầu tư có dấu hiệu chựng lại. Kết quả thu hút vốn đầu tư còn hạn chế (đầu tư trong nước chỉ đạt 25,74% kế hoạch và FDI đạt 7,58% kế hoạch). Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn đã làm hạn chế khả năng giải ngân của các dự án. Công tác quy hoạch, nâng cấp đô thị, phát triển đô thị tiến độ thực hiện còn chậm. 

Một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, nhất là trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2024 còn hạn chế. Quản lý rác thải chưa có giải pháp hữu hiệu, tiến độ triển khai xây dựng Nhà máy rác thải Bến Tre còn chậm. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ tai nạn/tệ nạn xã hội tăng so với cùng kỳ.

“Căn cứ vào dự báo tình hình thế giới, cả nước trong năm 2025 và tình hình chung thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh đã thảo luận, nghiên cứu sâu và toàn diện các lĩnh vực để đề ra 22 chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025, với mục tiêu quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6 - 6,5%”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN