Khắc phục hạn chế trong chống khai thác bất hợp pháp

28/08/2019 - 06:47

BDK - Nhằm góp phần cùng cả nước tháo gỡ thành công cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam, ngành chức năng tỉnh đang phấn đấu và quyết liệt khắc phục hạn chế trong công tác chống khai thác bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động kiểm tra nhật ký hành trình của tàu cá tại Cảng cá Bình Đại.

Hoạt động kiểm tra nhật ký hành trình của tàu cá tại Cảng cá Bình Đại.

Tăng cường kiểm tra

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Nhật Thanh cho biết: “Kết quả kiểm tra, đánh giá của đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tháng 5-2019, các cơ sở số liệu tàu cập, rời bến cảng và quản lý, giám sát khai thác thủy sản (KTTS) của tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc ghi và nộp cũng như xử lý vi phạm về nhật ký khai thác chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp”.

Nhằm khắc phục các hạn chế, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2311 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường giải pháp chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát khi cấp giấy phép (GP) KTTS cũng như gia hạn khi hết hạn đảm bảo tuân thủ tuyệt đối theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

UBND tỉnh cũng đặc biệt lưu ý đối với các tàu hoạt động tại các tỉnh bạn không về Bến Tre, tàu làm nghề dịch vụ hậu cần nghề cá… trường hợp các chủ tàu không đưa tàu về tỉnh để kiểm tra, xác minh thì tạm thời từ chối yêu cầu cấp hoặc gia hạn GPKTTS, GP cho tàu làm nghề dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trước những quy định mới trong việc quản lý tàu cá của tỉnh, nhiều ngư dân trên địa bàn huyện Ba Tri cho rằng, đưa tàu về tỉnh kiểm tra, xác minh khi gia hạn GPKT là “gây phiền hà”, “khó khăn”. Bởi “việc di chuyển, điều động một chiếc tàu từ biển về địa phương là vô cùng phức tạp, quá trình vận chuyển gặp sóng to gió lớn có thể phát sinh nhiều nguy cơ khác”, ngư dân Võ Thanh Tâm, ở xã Tân Thủy cho biết.

Ngư dân Trần Văn Mười, xã Tân Thủy cũng chia sẻ, chi phí vận chuyển tàu rất tốn kém và mất thời gian. Chưa kể khi cập bến, vấn đề quản lý các thuyền viên khó khăn, trường hợp thuyền viên trốn khỏi tàu, chủ tàu phải bù lỗ khoản tiền đã trả trước cho thuyền viên.

Theo đề xuất của nhiều ngư dân, để thuận tiện cho việc quản lý và tạo điều kiện cho ngư dân, Chi cục Thủy sản tỉnh nên cử lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra cấp GPKT ra ngoài tỉnh để xác minh, kiểm tra phương tiện và cấp GPKT. “Thay vì chủ tàu chịu phí di chuyển tàu về tỉnh để xin cấp và gia hạn GPKT với chi phí hàng chục triệu đồng thì chi trả chi phí cho lực lượng Chi cục Thủy sản tỉnh vào Cà Mau chỉ vài triệu đồng. Chi phí vận chuyển của lực lượng Chi cục Thủy sản tỉnh, ngư dân sẽ chịu hết”, ông Đào Văn Thản, Ấp 6, xã An Thủy chia sẻ.

Tuân thủ quy định

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Nhật Thanh cho biết, có 2 nội dung kiểm tra khác nhau liên quan vấn đề quản lý, kiểm tra hoạt động đánh bắt, gồm: đăng kiểm và kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp GPKT. Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, 1 trong 8 điều kiện để được cấp GPKTTS là tổ chức, cá nhân phải có nghề khai thác không thuộc danh mục nghề cấm.

“Quy định này so với Luật Thủy sản 2003 không thay đổi. Tuy nhiên, trước đây, để thuận tiện cho ngư dân, Chi cục Thủy sản tỉnh gom 2 nội dung đăng kiểm và cấp GPKT trong 1 lần kiểm tra và chỉ có một bộ hồ sơ theo hình thức liên thông. Nhưng theo quy định hiện hành, nội dung kiểm tra tách ra 2 nội dung riêng biệt. Cụ thể, hồ sơ đăng kiểm do Đăng kiểm tàu cá thực hiện, ngư dân có thể làm thủ tục này ở bất kỳ cơ sở đăng kiểm tàu cá của tỉnh nào được cho là thuận tiện nhất; hồ sơ cấp GPKT do Chi cục Thủy sản tỉnh đó thụ lý hồ sơ cấp GPKT. Theo quy định, ngư dân thực hiện thủ tục đăng kiểm trước, sau đó nộp hồ sơ đề nghị cấp GPKTTS tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh”, ông Phan Nhật Thanh cho biết thêm.

Cũng theo ông Phan Nhật Thanh, căn cứ điều kiện được cấp GPKTTS được quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản 2017, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2311 yêu cầu quá trình thực hiện cấp GPKT phải kiểm tra thực tế trang thiết bị ngư cụ phù hợp với ngành nghề được cấp phép. Do đó, nếu chủ tàu không đưa tàu về tỉnh thì cơ quan chức năng không thể kiểm tra, xác minh được; việc cử người ra ngoài tỉnh làm công tác kiểm tra, xác minh khi cấp, gia hạn GPKT không phù hợp với quy định.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN