Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp

21/12/2018 - 07:58

BDK - Sau thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg, Công điện số 732 và Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa cải thiện đáng kể. Điều này đòi hỏi ngành chức năng có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Hoạt động kiểm soát tàu cập bến.

Hoạt động kiểm soát tàu cập bến.

Triển khai nhiều biện pháp

Thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg, Công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về IUU, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu xây dựng nhiều kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017; công tác phòng, chống khai thác IUU, tác hại của khai thác IUU đối với sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Cục Kiểm ngư, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực III tổ chức 18 lớp tập huấn tuyên truyền chống đánh bắt bất hợp pháp theo Chỉ thị số 689, Công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về tàu cá, đảm bảo an toàn cho người khi tham gia hoạt động trên biển... cho trên 840 lượt ngư dân tham dự.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ động ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá với 8 tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, trong đó có 2 đợt làm việc với ngư dân tỉnh đang khai thác và cư trú tại Cà Mau. Phối hợp với các đơn vị viễn thông Viettel, VNPT, Zunibal lắp đặt thí điểm 11 thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá của tỉnh. Ngoài ra, vận động ngư dân xây dựng tổng số 160 tổ hợp tác với 880 hộ, 1.745 tàu và 14.256 thuyền viên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất của ngư dân.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được duy trì thường xuyên, phối hợp tốt với Ban từ thiện xã hội (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) thả trên 6 tấn tôm, cá giống các loại để tái tạo nguồn lợi thủy sản ra môi trường tự nhiên. Trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ kiểm soát nghề cá. Kết quả, các tổ đã kiểm tra và cấp giấy xác nhận xuất bến 1.714 lượt tàu; kiểm tra 365 lượt tàu cập bến, có 125 lượt đạt yêu cầu các nội dung kiểm tra và được xác nhận sản lượng khai thác qua cảng.

Vẫn còn vi phạm

Các ngành liên quan đã triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác thủy sản đến người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngư dân chưa chấp hành nghiêm. Trong năm 2018, có 25 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với 156 ngư dân, tăng 14 tàu so với cùng kỳ; có nhiều chủ tàu không thừa nhận hành vi vi phạm.

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Nhật Thanh cho biết, hiện nay ngư trường khai thác truyền thống hầu như quá tải do lượng tàu ngày càng nhiều, dẫn đến cạnh tranh ngư trường khai thác gay gắt, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm. Vì lợi ích kinh tế mà nhiều ngư dân không tuân thủ quy định của Nhà nước về chống đánh bắt bất hợp pháp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 689 tỉnh, công tác tuyên truyền có chuyển biến nhưng chưa đến được các đối tượng như thuyền trưởng và thuyền viên. Hầu hết đối tượng này thường xuyên đánh bắt trên biển và tàu về bến ở nhiều địa phương khác. Mặc dù đã có quy chế phối hợp giữa các tỉnh ven biển khu vực, nhưng bước đầu thực hiện vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định, nhất là trong công tác quản lý, xác minh và xử lý vụ việc.

Sắp tới, cụ thể là Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực vào năm 2019 sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và xử lý. Trước mắt, tập trung tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nâng cao ý thức của người dân; tăng cường thực hiện phối hợp giữa 8 tỉnh trong công tác quản lý khai thác thủy sản trên biển. Chi cục Thủy sản đang chuẩn bị lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, trong đó tập trung thực hiện đối với 350 tàu hoạt động ở Cà Mau và 34 bộ máy thông tin liên lạc tích hợp định vị vệ tinh để hỗ trợ trang bị cho ngư dân, chi phí 28 triệu đồng/máy từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ...

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN