Khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030

22/02/2022 - 11:11

BDK.VN - Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH)/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 717, ngày 11-2-2022 về khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030.

Thăm tặng quà nạn nhân CĐHH/dioxin tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm.

Thăm, tặng quà nạn nhân CĐHH/dioxin tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm.

 Mục tiêu là tiếp tục khảo sát và xử lý các khu vực bị ô nhiễm, ảnh hưởng bởi CĐHH/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; kiểm soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của CĐHH/dioxin đối với sức khỏe con người để không gia tăng nạn nhân; rà soát, xác định các nạn nhân CĐHH/dioxin trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng; đánh giá, kiểm soát, xử lý, phân tích, quản lý hiệu quả toàn bộ các hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin sau chiến tranh.

Cụ thể, xử lý triệt để các khu vực bị ô nhiễm CĐHH/dioxin sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh tại các huyện: Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú… Khảo sát, phát hiện, xử lý ô nhiễm các khu vực mới phát sinh (nếu có). Đến năm 2025 kiểm soát được trên 85% nguy cơ phơi nhiễm CĐHH/dioxin từ các khu vực ô nhiễm, đến năm 2030 đạt 100%, không làm gia tăng nạn nhân ở các khu vực đã xác định.

Đến năm 2025 xác định được trên 90% nạn nhân, đến năm 2030 hoàn thành việc xác định nạn nhân qua các thế hệ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; các nạn nhân được hưởng mức chế độ, chính sách của Nhà nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp, vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống…

Đảm bảo 100% nạn nhân được quản lý và phụ nữ có thai tại các vùng ô nhiễm nặng được tư vấn sinh sản nhằm giảm nguy cơ gia tăng nạn nhân ở các thế hệ tiếp theo. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin đáp ứng các yêu cầu quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin sau chiến tranh. Đảm bảo các cơ quan chức năng và các ngành có liên quan có đủ năng lực ở mức tiên tiến, hiện đại để tổ chức đánh giá, kiểm soát, xử lý phân tích, quản lý toàn bộ hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.

Một số nhiệm vụ, giải pháp hướng đến là tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xử lý CĐHH/dioxin, kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm, ngăn chặn gia tăng nạn nhân; bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐHH/dioxin.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin. Tăng cường tham gia hợp tác quốc tế và xã hội hóa công tác khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin…

Tin, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích