Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển

13/09/2024 - 05:30

BDK - Thực hiện Nghị quyết (NQ) số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (NQ số 04-NQ/TU), đến nay, bước đầu đã đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, khai thác thủy sản, năng lượng và du lịch.

Huyện Ba Tri khai thác hiệu quả kinh tế biển. Ảnh: P. Thảo

Một số kết quả nổi bật

Tính đến 9 tháng năm 2024, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) toàn tỉnh đã phát triển thêm 3.509ha (kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 4.000ha). Dự kiến đến cuối năm 2025, diện tích này sẽ đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi tôm ứng dụng CNC hiện đã đạt 187 ngàn tấn, vượt 129,86% kế hoạch ban đầu (144 ngàn tấn). Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 35.580ha, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ đạt 36 ngàn héc-ta, tương ứng với 86,74% chỉ tiêu đến năm 2025.

Ngành chế biến thủy sản ước tính tăng trưởng bình quân 0,39%/năm, đóng góp 13,48% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản ước tăng bình quân 10,30%/năm, chiếm 5,56% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Khai thác thủy sản theo Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản đến năm 2030, Bến Tre tiếp tục nỗ lực khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Các cảng cá tại Ba Tri và Bình Đại đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Toàn tỉnh hiện có 3.080 tàu, trong đó đánh bắt xa bờ là 2.034 tàu. Tỉnh đã thực hiện chuyển vùng 15 phương tiện, cải hoán 61 phương tiện, xóa bộ 686 phương tiện. Có 2.006/2.034 (98,6%) tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát. Một hợp tác xã nuôi tôm thâm canh đã được thành lập tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, với 40ha nuôi trồng trên 30 xã viên. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đến cuối tháng 8-2024 đạt 175.650 tấn, duy trì ổn định khoảng 200 ngàn tấn/năm.

Hiện tại, tỉnh có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 1.250,2MW đã được phê duyệt. Trong số này, có 6 dự án đã đi vào hoạt động hoàn toàn, 2 dự án đi vào hoạt động một phần, còn lại 12 dự án chưa triển khai. Tổng công suất đóng điện hòa lưới đạt 250,75MW. Ngoài ra, tỉnh đã đề xuất 3 dự án điện khí hóa lỏng (LNG), với tổng công suất trên 10GW vào Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, tỉnh không được phân bổ nguồn công suất phát triển điện khí LNG trong Quy hoạch này. Tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư và hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hiện tại, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác về xây dựng tổ hợp nhà máy Hydro xanh Bến Tre và đang chờ Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương thực hiện dự án.

Các sản phẩm du lịch ở 3 huyện biển cùng ngày càng phong phú, đa dạng, với nhiều tour liên kết vùng và liên kết với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, trên địa bàn 3 huyện biển có 8 dự án đầu tư du lịch và 21 điểm tham quan, trong đó có 1 điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long.

Ba Tri Phát triển kinh tế biển chủ lực

Thực hiện NQ số 04-NQ/TU về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, huyện Ba Tri đã tập trung phát triển một số ngành kinh tế biển chủ lực với nhiều kết quả nổi bật.

Đến cuối tháng 8-2024, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện 5.047ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh hàng năm khoảng 1.600ha, tôm quảng canh, tôm rừng 1.935ha. Hoạt động sản xuất, kinh doanh các hợp tác xã thủy sản ổn định. Năm 2024, tổng số tàu thuyền trên địa bàn huyện là 1.574 tàu, trong đó có 1.391 tàu hoạt động đánh bắt xa bờ. Bình quân tổng sản lượng thủy sản bao gồm cả nuôi trồng và khai thác trên 120 ngàn tấn/năm. Diện tích nuôi tôm CNC là 420/500ha, đạt 84% so với kế hoạch, hạ tầng phục vụ vùng nuôi đang dần được đầu tư nâng cấp hoàn thiện.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm CNC, huyện Ba Tri được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư các dự án: 6 tuyến đường với chiều dài 18,7km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A, đường cấp V, VI đồng bằng và các công trình trên tuyến (1 cầu và 18 cống); xây dựng mới tuyến trung thế 3 pha dài khoảng 24,2km và 26 trạm biến áp đảm bảo phục vụ sản xuất. Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phục hồi.

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 4,48%/năm. Cụm công nghiệp Thị trấn - An Đức hoạt động ổn định, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Tổng số doanh nghiệp, cơ sở đăng ký mới tăng 14 cơ sở, vốn đăng ký trên 295 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 840 cơ sở, với tổng vốn gần 3.565 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch gắn với kinh tế biển được huyện quan tâm thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 điểm du lịch đã được tỉnh công nhận: Du lịch Sinh thái Nông trại Vàm Hồ (xã Tân Mỹ) và điểm du lịch Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận). Điểm du lịch Cù lao Đất (xã An Hiệp) đang trong quá trình hoàn chỉnh các tiêu chí đề nghị tỉnh công nhận. Mặt khác, huyện còn có di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, 3 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh; 5 cơ sở lưu trú đạt chuẩn tiếp khách du lịch; 5 làng nghề truyền thống. Lượng khách đến các điểm du lịch và di tích của huyện Ba Tri hàng năm đạt trung bình từ 50 -  55 ngàn lượt khách.

Quy hoạch và phát triển đô thị được tập trung thực hiện. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Tri giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại IV thị trấn Ba Tri, hướng đến xây dựng thị xã Ba Tri; đô thị loại V trung tâm các xã An Ngãi Trung, Mỹ Chánh, Tân Xuân và thị trấn Tiệm Tôm. Huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển đô thị với tổng kinh phí ước đạt 3.923 tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường các hoạt động liên kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế 3 huyện biển Ba Tri - Thạnh Phú - Bình Đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho chiến lược phát triển về hướng Đông của tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng nuôi tôm CNC đến năm 2025 đạt diện tích 500ha, sản lượng 18 ngàn tấn. Khai thác thủy sản chuyển dần theo hướng khai thác xa bờ, nhân rộng mô hình đánh bắt theo hình thức tổ đội. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư...

“Trong thời gian tới, huyện Ba Tri sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách nhà nước để thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới biển”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương)

C. Trúc - P. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN