Khám phá cuộc sống thông qua đam mê đọc sách

24/04/2019 - 08:01

BDK - Sách là phương tiện truyền tải kiến thức, giúp con người phát triển và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, theo một khảo sát mà Trường Cao đẳng Bến Tre thực hiện về tình hình đọc sách của người dân Bến Tre những năm gần đây cho thấy, gần 50% cư dân Bến Tre có đọc sách, báo. Trong đó có 3 nhóm sách mà người dân quan tâm là: tri thức phổ thông, lịch sử, truyện. Tỷ lệ người đọc sách tăng theo trình độ học vấn, có 86% người dân ở trình độ đại học, sau đại học đọc sách. Đây là một con số không nhiều. Vậy làm sao để hình thành thói quen đọc sách và đọc sách một cách hiệu quả?

Các em học sinh đọc sách tại Phòng Đọc sách thiếu nhi, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu.

Các em học sinh đọc sách tại Phòng Đọc sách thiếu nhi, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu.

Cần có cơ chế khuyến đọc

Ông Lư Văn Hội - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Bến Tre đánh giá kiến thức trong nhà trường chỉ là những kiến thức cơ bản nhất để hình thành nền tảng tri thức chứ chưa đủ để một học sinh hiểu sâu, hiểu tường tận về một lĩnh vực. Vai trò của sách trở nên rất rõ ràng trong xã hội. “Sách sẽ giúp mỗi người vươn đến tầm tri thức mới khi tiếp thu được những kiến thức từ sách mang lại. Học qua sách cần là việc thường xuyên, liên tục, không chỉ gói gọn trong phạm vi nhà trường”, ông Lư Văn Hội nói. Là một nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh, cũng là tác giả biên soạn nhiều sách nghiên cứu về văn hóa tỉnh nhà, trong đó có các tài liệu về lịch sử, địa lý địa phương được giảng dạy trong các trường học, việc đọc sách với ông Lư Văn Hội rất quan trọng và cần thiết.

Ông Dương Tấn Phát - Giám đốc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cũng cho rằng, qua sách có thể giúp chúng ta nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Khi có thói quen đọc sách sẽ giúp mỗi người chủ động lựa chọn và tiếp cận thông tin phù hợp, chính xác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều người cho rằng với tính chất công việc của mình, họ không có nhu cầu đọc, một số khác cho rằng do quá bận rộn, không có đủ thời gian để đọc sách… Ông Lư Văn Hội cho hay: “Có nhiều người ở vùng nông thôn quê tôi nói rằng họ không có nhu cầu đọc sách. Không có nhu cầu là vì cho rằng công việc của họ đang làm chỉ là lao động chân tay mà thôi. Nhưng nếu không tiếp thu thêm kiến thức thì lao động chỉ là lao động, không phải là lao động sáng tạo”.

Thạc sĩ Phạm Văn Luân - Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế Trường Cao đẳng Bến Tre cũng đánh giá, cái khó nhất của công tác khuyến đọc hiện nay là học sinh, sinh viên không thích đọc sách. Muốn khuyến khích đọc sách thì phải có cơ chế kỹ thuật để khuyến đọc, có thể là viết ngắn lại, tạo sự tò mò, giúp người đọc dễ tiếp cận hoặc có những hành động cụ thể nhằm thay đổi nhận thức và hành vi để phát triển văn hóa đọc. Nhà trường, ngành giáo dục cần góp phần cụ thể trong phát triển văn hóa đọc. “Có thể khuyến khích các em học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức như cộng điểm đối với các em có dẫn chứng từ nhiều tư liệu mới bên cạnh các giáo trình và tư liệu mà thầy giáo đã nêu. Giữa một em học sinh, sinh viên đọc sách phải khác với một em không đọc sách, kiến thức khoa học cơ bản thì đảm bảo nhưng dẫn giải thì phải khác với những khuôn mẫu thì mới thoát khỏi tư duy máy móc”, ông Phạm Văn Luân cho biết.

Để việc đọc sách phải mang tính cập nhật, duy trì thường xuyên thì bên cạnh nhà trường, vai trò nêu gương của gia đình cũng hết sức quan trọng.

Cách đọc sách hiệu quả

Theo ông Lư Văn Hội, đọc sách cần phải có kỹ năng, đọc để rút ra những vấn đề cốt lõi và vận dụng vào thực tiễn một cách thiết thực. Đọc sách theo nhu cầu bản thân chứ không phải đọc hết tất cả các loại sách. Tùy theo cương vị, trách nhiệm của mỗi người với xã hội mà chọn đọc loại sách phù hợp. “Bản thân tôi làm công tác nghiên cứu văn hóa thì chọn đọc sách nghiên cứu văn hóa. Hoạt động lĩnh vực nào thì đọc sách lĩnh vực đó để cung cấp kiến thức phục vụ, ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn công việc”, ông chia sẻ. Phải đọc và rút ra được những vấn đề cốt lõi, cơ bản từ sách rồi áp dụng được vào thực tiễn một cách hiệu quả, đó mới chính là hiệu quả của đọc sách đối với bản thân và xã hội.

Chia sẻ về cách đọc sách, ông Lư Văn Hội cho biết thêm, mỗi người có cách đọc sách khác nhau nhưng quan trọng là cần xác định mục đích đọc sách để làm gì. Đối với những người bận rộn vì công việc, một cuốn sách không thể đọc toàn bộ, có thể chọn lọc những phần phù hợp để đọc, liên quan trực tiếp đến công việc trong thực tiễn một cách hiệu quả hơn. Có thể mở mục lục, để chọn đọc phần quan trọng nhất, cần thiết nhất có hiệu quả ngay tức thời.

Khi đọc sách thì mỗi người dù ít dù nhiều đều đặt quan điểm, góc nhìn cá nhân của mình để đọc, tiếp nhận, đánh giá thông tin. Sách viết ra cũng mang góc nhìn và quan điểm của cá nhân tác giả. Đối với từng thể loại sách đều cần có cách tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc đồng thời vận dụng tư duy phản biện để suy xét thông tin tiếp cận, đúc rút ra cho mình điều cần thiết nhất.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN