Khẩn trương tổ chức tổng điều tra hộ nghèo giai đoạn 2011-2015

15/10/2010 - 08:14
Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Hà Thanh Hùng phát biểu tổng kết hội nghị. Ảnh: KT

+ Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400 ngàn đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.
+ Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500 ngàn đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.
+ Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401 ngàn đồng/người/tháng đến 520 ngàn đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.
+ Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 501 ngàn  đến 650 ngàn đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tại Công văn số 3969/UBND-VHXH ngày 1-10-2010 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1752/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổng điều tra hộ nghèo, Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo tỉnh đã xây dựng kế hoạch và đang trong quá trình tập trung thực hiện công tác tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
BCĐ tỉnh lưu ý BCĐ các cấp cần xác định đối tượng và lập danh sách chính xác các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác điều tra phải được thực hiện từ ấp, ô, khu phố đối với từng hộ, đảm bảo tính công khai, dân chủ nhằm xác định đúng đối tượng, không bị trùng lắp, thiếu sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống của người dân trên địa bàn. Mục đích của công tác điều tra còn nhằm quan sát đặc điểm đa chiều về công tác giảm nghèo và phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu, công tác quản lý đối tượng nghèo.
Phạm vi tổng điều tra là tất cả các hộ gia đình đang sinh sống tại 9/9 huyện, thành phố. Cán bộ điều tra cần quan sát trực tiếp tình hình tài sản, đặc điểm của tất cả các hộ gia đình tại địa bàn điều tra để tách các hộ gia đình theo các nhóm hộ không nghèo, hộ nghèo và hộ cần điều tra thu nhập (mẫu phiếu khảo sát nhanh hộ gia đình – phiếu A); Phỏng vấn trực tiếp chủ hộ hoặc đại diện hộ gia đình để thu thập thông tin về thu nhập của hộ (phiếu B); Khảo sát thu thập đặc điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo; Trưng cầu ý kiến của người dân sinh sống tại ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn đối với danh sách hộ nghèo theo chuẩn mới; Phương pháp chuyên gia trong xác định tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.
Quá trình tổ chức thực hiện bao gồm 7 bước, như sau:
Bước 1: Chuẩn bị công tác điều tra:
- Thành lập Ban chỉ đạo, tổ giám sát tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp tỉnh, huyện, xã.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức tổng điều tra hộ nghèo. 
- Tổ chức tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, yêu cầu của đợt tổng điều tra hộ nghèo trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Xây dựng tài liệu tập huấn, bộ công cụ điều tra phiếu A, phiếu B, các mẫu biểu tổng hợp báo cáo.
- Tổ chức họp BCĐ, tổ giám sát để thống nhất kế hoạch thực hiện.
Bước 2: Triển khai, tập huấn tổng điều tra hộ nghèo: từ 8-10-2010 đến 15-10-2010 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục Thống kê xây dựng kế hoạch cụ thể ).
Bước 3: Chỉ đạo tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương: Từ 15-10 đến 15-11-2010, cụ thể là:
- Các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn: từ 15-10 đến 5-11-2010, tiến hành các nội dung: xác định, lập danh sách hộ thuộc diện điều tra: phân loại nhanh hộ gia đình theo phiếu A, tổ chức khảo sát thu nhập của hộ gia đình sau khi đã phân loại – phiếu B, phiếu theo dõi đặc trưng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Tổng hợp báo cáo về BCĐ huyện, thành phố từ 5-11 đến ngày 10-11-2010 (theo biểu tổng hợp số 1).
BCĐ giảm nghèo huyện, thành phố tổng hợp số liệu báo cáo BCĐ tỉnh từ 10-11 đến 13-11-2010 (biểu tổng hợp số 2).
- Từ ngày 13-11 đến ngày 15-11-2010 BCĐ tỉnh tổng hợp số liệu, đối chiếu với kết quả dự báo của Tổng cục Thống kê, tổ chức họp BCĐ điều tra thống nhất kết quả điều tra toàn tỉnh và thông báo đến các huyện về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; Báo cáo sơ bộ kết quả điều tra hộ nghèo  về UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bước 4: Tổ chức bình xét, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo (từ 15-11 đến 25-11-2010):
- BCĐ cấp huyện, thành phố căn cứ vào tỷ lệ nghèo, cận nghèo theo ước lượng của BCĐ cấp tỉnh để điều chỉnh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của cấp xã, phường, thị trấn.
- BCĐ cấp xã điều chỉnh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện lập danh sách dự kiến hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố.
- BCĐ xã chỉ đạo tổ chức bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo ở tổ NDTQ, ấp, khu phố theo quy trình bình nghị của Thông tư 04/2007/TT-BLĐTBXH ngày 28-2-2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội .
Lập biên bản, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo qua kết quả bình xét của tổ NDTQ, ấp, khu phố, báo cáo về BCĐ cấp xã, phường, thị trấn.
Bước 5: Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, từ ngày 25-11 đến 30-11-2010:
- BCĐ cấp xã lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo chính thức trên địa bàn, báo cáo về huyện, huyện báo cáo tỉnh và tỉnh báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bước 6: Xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, cận nghèo:
Cấp xã lập sổ theo dõi hộ nghèo, hộ cận nghèo; Cấp huyện, tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bước 7: Phúc tra kết quả điều tra; công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo:
- BCĐ cấp tỉnh, huyện, xã có kế hoạch tổ chức phúc tra lại kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo, lưu ý giải quyết kịp thời khiếu kiện của người dân ở  những nơi kết quả điều tra chưa phản ánh đúng thực tế, sai quy trình…
- Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi bình xét ở cộng đồng dân cư phải được thông báo trên các phương tiện thông tin của xã, niêm yết công khai ở nơi công cộng (trụ sở UBND, nhà văn hóa xã...). Sau 15 ngày, nếu không có ý kiến khiếu nại, UBND cấp xã làm thủ tục công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Kinh phí thực hiện công tác được chi từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2010 và ngân sách địa phương.
 

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN