BDK.VN - Đoàn công tác Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và phong trào thi đua dân vận khéo tỉnh (Ban Chỉ đạo 441), do Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em - Phó trưởng đoàn có chuyến khảo sát, thẩm định thực tế mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2024 tại Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh. Tham gia cùng đoàn có đại diện lãnh đạo phòng và chuyên viên phụ trách lĩnh vực dân vận khéo của Phòng chuyên môn Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em cùng đoàn khảo sát ở Hội Nông dân tỉnh.
Đoàn đã khảo sát mô hình “tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện trồng cây bằng nguồn lực xã hội hóa” do Hội Nông dân tỉnh thực hiện; khảo sát mô hình “Vận động hộ gia đình có phụ nữ vay vốn tích cực tham gia cùng với Hội ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo trong công tác quản lý, tiết kiệm” do Hội LHPN tỉnh thực hiện.
Tại buổi khảo sát, thành viên đoàn nghe 2 đơn vị thực hiện mô hình báo cáo quá trình thực hiện, kết quả đạt được những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để duy trì, nhân rộng mô hình.
Qua nghe báo cáo, thành viên đoàn có trao đổi thêm để 2 đơn vị điều chỉnh, bổ sung báo cáo; làm rõ hơn về vai trò phối hợp của các cấp hội trong thực hiện mô hình; số liệu theo kế hoạch đăng ký; công tác tuyên truyền, vận động; số lượng hội viên nông dân; phụ nữ tham gia thực hiện mô hình đăng ký; bổ sung thêm phần thực trạng theo chủ trương, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đánh giá thêm tính khéo của mô hình từ nhận thức, tính đồng thuận; tính bền vững…
Phát biểu kết luận tại buổi khảo sát, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em thay mặt đoàn ghi nhận, đánh giá cao tinh thần nhập cuộc, trách nhiệm, sự lan tỏa trong thực hiện mô hình của 2 đơn vị.
Về giải pháp thời gian tới, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em đề nghị, Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy các huyện, có chủ trương thống nhất làm cơ sở cho Hội Nông dân huyện, xã thực hiện tốt chủ trương trồng cây xanh.
2 đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng cụ thể để làm thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ nói riêng, người dân nói chung về công nghệ số, chuyển đổi số. Qua tuyên truyền nâng cao nhận thức việc trồng cây xanh không chỉ của hội viên nông dân, mà là trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng xã hội.
Tiếp tục đa dạng hóa vận động nguồn lực xã hội trong, ngoài tỉnh để thực hiện tốt hơn phong trào trồng cây xanh. Trong việc xã hội hóa kinh phí cần được công khai, minh bạch kịp thời, đầy đủ. Quan tâm duy trì, bảo dưỡng để phát huy hiệu quả của cây trồng.
Đoàn khảo sát tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Hội LHPN cần đa dạng hóa các giải pháp thúc đẩy việc trang bị thiết bị giúp hội viên phụ nữ nói riêng, người dân nói chung tham gia tốt hơn các hoạt động chuyển đổi số nhằm tiếp cận nhanh các hoạt động xã hội.
Phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ hội cơ sở, hội viên tiêu biểu để mở rộng đối tượng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục sáng tạo các mô hình khác để giúp hội viên phụ nữ tiếp cận nhiều hơn các hoạt động xã hội nhằm tiếp cận nhanh các chủ trương, chính sách, nhất là đối với hội viên phụ nữ yếu thế.
Chiều cùng ngày, đoàn sẽ khảo sát Mô hình “Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đoàn viên, thanh niên và thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động quốc tế thanh niên” do Tỉnh đoàn thực hiện và mô hình “Vận động phát triển nguồn nhân lực thông qua việc kết nối việc làm, chăm sóc sức khỏe; có khả năng phát huy sáng kiến, sáng tạo, nghiên cứu khoa học để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác”; Mô hình “Vận động thành lập các nghiệp đoàn và phát triển đoàn viên là lao động khu vực phi chính thức” do Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện.