Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đến thăm hỏi doanh nghiệp thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch ASEAN+ tại ấp Kinh Cũ, xã Phong Nẫm (Giồng Trôm Ảnh: CTV
* Là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh, vì sao ông chọn đầu tư ở Bến Tre?
- Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ: Tôi xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bà cố là Mẹ Việt Nam anh hùng. Ông nội là liệt sĩ. Bà nội là thương binh. Ba, mẹ tôi là nông dân nghèo và có đông con. Do chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh nên cách đây hơn 30 năm, Phong Nẫm vẫn còn là vùng quê nghèo khó và chỉ có trồng dừa.
Còn nhớ những ngày tháng cơ cực, hết gạo ăn, mấy anh chị em chúng tôi chỉ còn cách bám víu vào cây dừa mà sinh kế. Nỗi vất vả thời tuổi thơ không biết từ khi nào đã in sâu trong tâm thức của tôi và theo tôi lớn lên từng ngày. Hình ảnh đất và người nơi đây như làng quê, bến nước, con đò, con đường dừa, hay các chợ quê Mỹ Lồng, Phong Nẫm, Phong Mỹ, từng tấc đất, gốc cây… đều quá đỗi quen thuộc, thân yêu với tôi. Nó trở thành một phần máu thịt trong con người tôi. Để dù có đi đâu và làm gì tôi đều dành tình yêu thiêng liêng của mình hướng về quê nhà. Ý tưởng xây dựng “Làng Văn hóa du lịch ASEAN+” chính là xuất phát từ tình yêu quê hương, từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, giàu văn hóa, tình người. Dự án cũng là cả tình yêu của tôi với các ngành đã học là văn hóa dân tộc và nhân học, văn hóa.
* Từ cử nhân, thạc sĩ, đến nay có trong tay 2 bằng tiến sĩ, ông chia sẻ đôi điều về nghị lực vượt lên khó khăn trong cuộc sống đến việc theo đuổi tri thức và khởi nghiệp?
- Gia đình nghèo. Mẹ làm vườn. Ba làm Chủ tịch Hội Nông dân xã nhiều năm với đồng lương ít ỏi. Nhưng các anh em tôi vẫn luôn được ba mẹ răn dạy chỉ có con đường tri thức mới có thể giúp anh em chúng tôi thay đổi tư duy, thoát nghèo và góp sức xây dựng quê hương.
Nhớ năm tôi thi đậu vào đại học, cha tôi mừng vui khôn tả nhưng hòa lẫn nước mắt do điều kiện kinh tế gia đình túng thiếu, không thể lo cho tôi tiếp tục học đại học. Trong hoàn cảnh ấy, bản thân tôi nghĩ muốn theo đuổi tri thức, thay đổi cuộc sống thì không còn cách nào khác là phải mang ba lô lên TP. Hồ Chí Minh với quyết tâm vừa làm thêm vừa đi học. Một mặt đi làm thêm, mặt khác tôi cố gắng học thật tốt để giành được các suất học bổng ở mỗi học kỳ. Nhờ đó, tôi vượt qua những khó khăn trước mắt và có nhiều trải nghiệm làm vốn liếng cho hành trang vào đời.
Đến năm thứ 3 đại học (năm 2002), tôi chính thức mở doanh nghiệp Xuân Nguyên. Khi đó, doanh nghiệp của một sinh viên cũng mới chỉ là cơ sở kinh doanh nhỏ. Sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên là nước màu dừa. Niềm vui to lớn cổ vũ cho tôi tiếp tục phát triển là chỉ 1 năm sau đó, tức năm 2003, sản phẩm nước màu dừa của doanh nghiệp nhận được huy chương vàng tại hội nghị triển lãm quốc tế. Từ nền tảng đó, đến nay, Xuân Nguyên phát triển hơn 30 công ty con trong cả nước với nhiều sản phẩm như mật ong, tinh nghệ, hà thủ ô 5 trong 1, mật ong nhân sâm, những sản phẩm nông nghiệp xanh.
Sau 2 năm tốt nghiệp đại học ngành nhân học, tôi quyết định học lên cao học ngành văn hóa học và tiếp tục học tiến sĩ ngành nhân học, văn hóa. Sau đó, tôi tiếp tục học tiến sĩ quản trị kinh doanh. Bởi, theo tôi, học vấn là con đường để chúng ta thay đổi tư duy. Từ đó, giúp thay đổi cuộc đời, số phận con người.
Có lẽ đây cũng là động lực, lý do chính thôi thúc tôi xúc tiến dự án thuộc lĩnh vực du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa - xã hội, dân tộc học, cũng như chú trọng xây dựng tính nhân văn, bảo tồn bản sắc văn hóa của Bến Tre nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các quốc gia nói chung trong khu vực Khối ASEAN+.
* Cùng với Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, ông có những hoạt động đầu tư và an sinh xã hội trọng điểm nào hướng về quê hương?
- Thời gian qua, cùng với việc tham gia hoạt động của Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh, cá nhân tôi rất quan tâm thực hiện nhiều hoạt động đầu tư và an sinh xã hội hướng về quê hương. Cụ thể, xây dựng cầu đường, nhà tình thương, tình nghĩa, hỗ trợ hộ nghèo, trao học bổng cho học sinh...
Hiện tôi tích cực tham gia hoạt động nhiều tổ chức tại tỉnh của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Giồng Trôm, Hội Khuyến học và các địa phương, trong đó có Phong Nẫm… Đồng thời, từ hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Xuân Nguyên, tôi muốn đóng góp cho quê hương của mình không chỉ dừng lại ở hoạt động từ thiện xã hội mà cần có những dự án tạo ra giá trị mới, làm thay đổi bộ mặt quê hương, góp phần thiết thực cùng với chính quyền thực hiện những mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, trong đó có nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và gắn với phát triển nông nghiệp.
* Ông kỳ vọng gì về dự án đầu tư Làng Văn hóa du lịch ASEAN+?
- Làng Văn hóa du lịch ASEAN+ chính là khát vọng, là tâm huyết mãnh liệt của một người con xa quê như tôi muốn quay về góp sức xây dựng quê hương.
Mô hình này vinh hạnh được sự tư vấn của Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam/ Tạp chí Dân tộc và Thời đại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt Nam Đông Nam Á TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Tôi kỳ vọng, nơi đây sẽ tái hiện cơ bản những đặc trưng, nét độc đáo riêng về bản sắc văn hóa dân tộc của các nước khu vực Đông Nam Á; là một điểm đến lý tưởng, phù hợp cho du học sinh các trường đại học trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu và học tập.
Không chỉ là không gian tái hiện văn hóa, phục vụ cho phát triển giáo dục mà nơi đây còn là không gian tuyệt vời cho du khách nghỉ dưỡng với cảnh quan sinh thái gần gũi với thiên nhiên nhất, hay doanh nghiệp tổ chức các sự kiện hội nghị, hội thảo dã ngoại…
Trong quá trình xây dựng, tôi quan tâm đáp ứng các yếu tố của lợi ích du lịch, lợi ích chung cho cộng đồng trong khu vực làng, như xây dựng các hồ chứa nước để phục vụ bà con có đủ nước ngọt sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Hay không gian “chợ quê” trong làng sẽ giúp đưa nông sản, đặc sản của quê hương giới thiệu đến với du khách quốc tế.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!.
“Ý tưởng ban đầu của tôi là đầu tư khu nghỉ dưỡng sinh thái cho du khách đến Bến Tre. Tuy nhiên, việc lan tỏa tinh thần Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp và việc ban hành các chính sách kêu gọi đầu tư rất tích cực và đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giúp tôi định hướng phát triển dự án mang tính tầm vóc khu vực ASEAN. Từ đó, tạo điều kiện cho làng đưa hình ảnh Bến Tre đến du khách quốc tế…”.
(Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam Lư Nguyễn Xuân Vũ)
|
Cẩm Trúc (thực hiện)