Khát vọng ngày trở về

19/12/2018 - 08:49

Những người nghiện ma túy đa số tuổi đời rất trẻ, họ lạc lối, muốn tìm đường về, nhưng làm sao để có sức mạnh vượt lên? Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn vừa phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức một buổi giao lưu chia sẻ với các diễn giả mang chủ đề “Khát vọng ngày trở về” để giúp người trẻ tìm thấy ánh sáng thoát khỏi “nàng tiên nâu”, xây dựng lại cuộc đời mới.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh (thứ hai, phải sang) và các diễn giả  nhận hoa của Ban Tổ chức. Ảnh: T. Thảo

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh (thứ hai, phải sang) và các diễn giả  nhận hoa của Ban Tổ chức. Ảnh: T. Thảo

“Bất cứ thứ gì cũng có thể thử cho biết, nhưng có hai thứ trong đời này tuyệt đối không thể thử. Thứ nhất là cái chết, thứ hai là ma túy” - đó là lời của nhân vật Hiếu trong truyện ngắn “Cõi mộng” - một câu chuyện có thật được tác giả Trần Minh Á tập hợp trong tập “Đồng tiền dính máu” phát hành năm 2010 viết về những nạn nhân của ma túy và HIV/AIDS.

Ma túy lấy đi tất cả

Ma túy lấy đi sức khỏe, hạnh phúc, tương lai, thậm chí cả mạng sống của con người. Cơn thèm thuốc khiến người nghiện đánh mất cả nhân cách và lý trí để rồi gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc, vướng vào vòng lao lý.

Anh Lê Thanh Tâm, ngụ huyện Giồng Trôm, một học viên cai nghiện bắt buộc được về trước thời hạn 3 tháng nhờ học tập, lao động tốt. Nghề sửa máy của anh đắt khách đến nỗi phải thường xuyên thức khuya, có người nói anh dùng ma túy thì sẽ tăng sức, làm việc không biết mệt. Anh dùng thử vài lần, rồi không có là nhớ nên phải đi tìm. Tiền cực khổ làm ra anh nướng vào ma túy cho đến ngày anh bỗng nhận ra mình đã là con nghiện, không lâu sau đó anh bị bắt đưa đi cai nghiện. Nhà chỉ có hai mẹ con, nhìn mẹ già 74 tuổi phải lặn lội đi thăm con, anh đau xót, quyết tâm từ bỏ ma túy.

Trước ngày được về nhà, anh Tâm đau đáu suy nghĩ: “Không biết người đời nhìn mình thế nào”.  “Không ngờ khi về đến nhà, mẹ tôi ban cho tôi nụ cười, nụ cười của niềm tin để tôi đứng vững. Hàng xóm vẫn đối xử tốt, quan tâm tôi, chính quyền địa phương hỗ trợ cho tôi mặt bằng để mở tiệm sửa điện, sửa máy. Mọi người cho tôi hành trang bước đi trên con đường mới, tôi thấy vui lắm”, anh Tâm xúc động nói.

Người nghiện ma túy khi trở về nhà luôn mang theo nỗi mặc cảm tự ti của người lầm lỡ, họ luôn lo lắng người ta sẽ nhìn mình như thế nào; cũng vì thế người đã cai nghiện ma túy thành công vẫn thường tránh ánh mắt mọi người, họ không muốn đối diện, không tự nói lên được nhu cầu của bản thân mình cần giúp đỡ. Sống khép kín dần dà đâm ra buồn chán, cộng với không có nghề nghiệp ổn định hoặc không ai dám mướn, thuê, thế là họ dễ quay lại đường cũ… Đó là chia sẻ của nhiều học viên đang cai nghiện ma túy và người cai nghiện thành công. 

Tiếp sức cho người cai nghiện

Ai cũng có lúc lạc lối, vậy làm sao để có sức mạnh vươn lên? Các diễn giả có chung một đáp án: Người cai nghiện cần nghị lực vươn lên và sự đồng hành của gia đình, xã hội tiếp sức, nâng đỡ.

Chương trình Thắp sáng ước mơ cho học viên cai nghiện với chủ đề “Khát vọng ngày trở về” tại Cơ sở cai nghiện ma túy Tân Xuân còn có hơn 20 phụ huynh của các học viên đang cai nghiện. Gần 20 năm trong nghề tư vấn cho học viên, chị Đinh Thị Thanh Vân - Phó trưởng phòng Giáo dục tư vấn và Công tác xã hội cho biết, nhiều học viên vào cai nghiện không được gia đình đi thăm nuôi, họ giận vì con em đi cai nghiện để lại số nợ lớn (vay mượn để có tiền mua ma túy) gia đình phải trả. Buổi chia sẻ rất bổ ích để phụ huynh thông cảm được cho con em mình vì lỡ vướng vào tệ nạn; vào cai nghiện các học viên được trang bị kiến thức phòng chống tái nghiện, chúng tôi cần gia đình tránh phân biệt đối xử, kỳ thị các em, phải tạo cho các em một cơ hội, một niềm tin để làm lại cuộc đời.

Anh Lê Thừa Dương Hùng, nhân vật chính trong phóng sự “Người giang hồ hoàn lương” trên VTC 16 từ huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh đã có mặt tại buổi chia sẻ. Anh Dương Hùng hiện là Giám đốc Công ty TNHH điêu khắc mộc mỹ nghệ. Anh đến theo lời mời của Ban tổ chức chương trình. Anh Hùng kể lại câu chuyện của mình, từ một cậu bé không có cha, 8 tuổi vì quá nghèo khổ phải bỏ nhà đi hoang, lang thang vào thành phố Huế sống bằng đủ nghề. 15 tuổi, anh bị đưa vào trường giáo dưỡng. Anh Hùng sớm nghiện ma túy, chìm đắm trong làn khói trắng 6 năm, gây án xong anh bị truy nã, trốn biệt xứ trên đất Campuchia, Lào rồi bị bắt đi tù 10 năm. Những ngày đứng sau song sắt, anh mong muốn thay đổi  cuộc đời nhưng khi được ra khỏi thì lại “ngựa quen đường cũ”. Ra tù, không ai nhận anh làm thuê vì sợ. Anh tìm đến mẹ thì hay tin mẹ đã đau khổ bán nhà ra đi và mất sớm vì bệnh. Thế là anh Hùng quyết từ bỏ ma túy. “Mình tự đưa nó vào người thì phải tự mình đưa nó ra” - anh Dương Hùng nghĩ. Thế là anh nhờ bạn khóa cửa phòng, đưa mì tôm, nước lã cho mình. Anh nằm đúng 16 ngày để cắt cơn, đói thì nhai mì, khỏe thì nấu mì ăn. Nhờ sự quyết tâm, anh đã bỏ được ma túy và bắt đầu học nghề trong 9 tháng, sau đó đi làm thuê ở cơ sở điêu khắc 3 năm thì ra nghề, mở cơ sở. Hiện cơ sở của anh có hơn chục lao động làm nghề điêu khắc, mỗi người có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng, có người đến 12 triệu đồng/tháng.

Mở rộng vòng tay

21 tháng 8 ngày, chú Nguyễn Văn Thành, ngụ huyện Mỏ Cày Nam đếm từng ngày con mình là học viên Nguyễn Bá Tùng đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện Tân Xuân. Cảm động trước câu chuyện của một người cha bỏ hết công việc làm ăn giúp con trai cai nghiện, chú Thành nói: “Con tôi rất ngoan, học hành đàng hoàng, hoàn cảnh gia đình làm ăn nên tôi thường vắng nhà, con bị bạn bè rủ rê bỏ học, gặp bạn bè xấu rồi sa vào ma túy”.

Tại diễn đàn, chú nhắn nhủ con mình: “Con người không ai hoàn thiện, đã lệch hướng thì cố gắng giữ lại, quá khứ đã ngã xuống thì quên nó đi. Làm sao chứng tỏ xã hội thấy mình sẽ trở thành người mới. Bằng trái tim người cha, tôi xin quý vị ở địa phương đùm bọc tinh thần cho các em đứng lên”.

Thượng tọa Thích Trí Huệ - Trưởng phân ban Phật giáo quốc tế đối ngoại - Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ tâm lý học tại Malaysia, đến với buổi chia sẻ chủ đề “Khát vọng ngày trở về”. Vị Thượng tọa cho rằng: “Chiến thắng bản thân để làm con người mới, mừng mùa xuân hoàn toàn mới. Ngày trở về phải định trước ta sẽ đi đâu? Lý tưởng của người trở về không cần cao siêu, chỉ cần sống vì gia đình, nhưng để khẳng định được mình, bảo vệ uy tín, tôn nghiêm bản thân phải có cái nghề, hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi sẵn sàng giúp nhà cho học viên khó khăn về nhà ở”.

Sau buổi chia sẻ, các học viên Cơ sở cai nghiện ma túy Tân Xuân hát tặng đại biểu hai bài hát: Ánh mắt của cha và Hãy yên lòng mẹ ơi. Các bạn đã không hát được hết bài vì quá xúc động, cả hội trường im lặng không nói nên lời, rồi những tràng pháo tay động viên. Trên sân khấu “ca sĩ” không hát được vì khóc, bên dưới những cánh tay xăm trổ che đi ánh mắt đang đỏ hoe, gạt nước mắt... Cả những đại biểu cũng sụt sùi vì cảm động. Buổi chia sẻ đã đánh động được trái tim từng người  đang có mặt. Dũng cảm đứng lên sau vấp ngã không có gì là quá muộn!

Tâm đắc với buổi chia sẻ, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhắn nhủ những người có trách nhiệm phải làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy và điều ông quan tâm là cộng đồng còn tồn tại sự kỳ thị đối với người nghiện ma túy trở về: “Người ta đã khép lại quá khứ, vươn tới tương lai, chúng ta “đánh người chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Vì thế, bằng ánh mắt thân thiện, chúng ta hãy lôi kéo người nghiện ma túy trở về với gia đình, xã hội. Đối với người nghiện, khi cắt cơn rồi phải dưỡng sức khỏe cho tráng kiện, rồi học nghề vì “nhàn cư vi bất thiện””.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN