
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Thường trực Tỉnh ủy và tập thể cán bộ, công chức Văn phòng Tỉnh ủy trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh, tháng 3-2016. Ảnh: Quốc Thi
Nhưng luôn nên nhớ rằng, khát vọng chỉ là mơ ước. Tầm nhìn thì thuộc về tương lai.
Có một khoảng cách lớn giữa khát vọng - tầm nhìn với khả năng và điều kiện. Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng bao giờ cũng đòi hỏi hội đủ các yếu tố khách quan và chủ quan. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa, thời gian và không gian. Cuối cùng là năng lực ứng phó với sự xuất hiện không hề mong muốn của các thách thức, các biến cố.
Tầm nhìn là sự thăng hoa của những ý tưởng đôi khi có chút lãng mạn. Nhưng hiện thực hóa không bao giờ cho phép tồn tại tư duy đó. Ở bước triển khai hành động, cần có những “cái đầu” hết sức thực tế bên cạnh những trái tim nhiệt huyết. Theo đó, tầm nhìn chiến lược phải được quy hoạch bài bản gắn liền đồng bộ với quy hoạch cán bộ, nếu không sẽ biến thành tầm nhìn nhiệm kỳ.
Sau quy hoạch là kế hoạch cho từng nhiệm kỳ, từng năm với những dự án, đề án cụ thể, khả thi chứ không phải những cái “bánh vẽ” lung linh màu sắc.
Trong câu chuyện tầm nhìn, cần nhấn mạnh khả năng nhận biết, lan tỏa và năng lực giải quyết các thách thức, các biến động xuất hiện bất định trong quá trình thực thi tầm nhìn. Ví dụ như tình trạng xâm nhập mặn và dịch Covid-19 hiện nay.

Công trình cống Thủ Cửu (Phước Long - Giồng Trôm). Ảnh: Huỳnh Đức
Cách đây 2 năm, có lẽ ít ai hình dung được tình trạng xâm nhập mặn vừa cao, vừa sâu, vừa lâu trên diện rộng đến mức này và khả năng lặp lại hàng năm là hoàn toàn có thể. Vậy trong nhiệm kỳ tới 2020 - 2025, nếu không giải quyết được vấn đề an ninh nguồn nước thì mọi kịch bản phát triển nông nghiệp bền vững chỉ tồn tại trên giấy! Kéo theo đó là những khó khăn cho công nghiệp chế biến, du lịch… tất cả đều nằm trong 4 trụ cột của tầm nhìn… Hãy nhìn vào diện tích “dừa lai ca cao” sau mùa mặn năm 2019 sẽ thấy rõ viễn cảnh đó. Vĩ mô hơn là câu chuyện Covid-19. Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu sẽ ra sao nếu chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn không có hồi kết? Ngay cả trong ngành thủy sản, một ngành được xem là “mũi nhọn” của nông nghiệp cũng lao đao vì thiếu nguyên liệu và sản phẩm không bán được. Có ai ngờ rằng, các doanh nghiệp chế biến nghêu của Bến Tre phải mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc vì các hợp tác xã nghêu của chúng ta hàng năm chỉ cung ứng được vài ba nghìn tấn nghêu thịt!
Như vậy, không chỉ trong trồng trọt, chăn nuôi mà cả trong thủy sản ta cũng còn những lỗ hổng lớn trong chuỗi giá trị. Đó cũng là một thách thức.
Trên cơ sở tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển, chúng ta đã rất công phu, bài bản, dân chủ chuẩn bị dự thảo báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên sự chuẩn bị dù chu đáo đến đâu cũng không thể nào “đầy đủ và hoàn thiện”. Biến động và thách thức luôn ở phía trước! Do vậy, phải chăng đại hội phải tiếp tục cập nhật giải đáp. Từng đại biểu phải đọc lại và tư duy tiếp các giải pháp cho tình huống mới với những biến số khó lường. Về mặt phương pháp luận, nên chăng chúng ta cần tư duy nghị quyết theo cách tư duy của người dân. Người dân không thể nhớ những câu chữ “mỹ miều, to tát” mà quan trọng nhất là làm sao cho trái dừa hết dài như trái ca cao!
Đó chính là kỳ vọng của người dân, đồng thời cũng là sứ mệnh to lớn, thách thức ngặt nghèo của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Võ Thành Hạo - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy