BDK - Nhà báo Huỳnh Năm Thông - nguyên Tổng biên tập Báo Chiến Thắng, Báo Đồng Khởi viết trong bài “Những điều không thể quên”: “Báo Chiến Thắng sinh ra - có mặt trên đời là để đánh Mỹ. Hay nói đúng hơn là để chiến thắng Mỹ như tên gọi đặt để ra cho báo. Những người viết cho Báo Chiến Thắng đều biết rằng viết báo là để hiệu triệu mọi người đánh thắng Mỹ. Nguồn sống của bài báo và người viết báo là chiến thắng Mỹ - chiến thắng càng dồn dập thì sức sống càng dồi dào”.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động báo chí ở tỉnh sôi động và quyết liệt. Báo Chiến Thắng trong kháng chiến chống Mỹ cũng là môi trường đã trui rèn nên một thế hệ nhà báo cách mạng đầy khí phách của tỉnh. Như nhà báo Huỳnh Năm Thông - nguyên Tổng biên tập Báo Chiến Thắng (từ năm 1976 là Báo Đồng Khởi) đã ghi lại: “Những con người làm báo đều có mẫu số chung là lòng yêu nước nồng nàn, tự nguyện dấn thân trên tuyến đầu chống Mỹ cho đến thắng lợi cuối cùng cho nên rất mực đùm bọc, chia sẻ, yêu thương nhau. Không thấy ai trả giá về chức trách đến những nhiệm vụ phân công cụ thể. Đi chiến trường, đi tiền phương, bám lấy bộ đội là chuyện rất bình thường, trái lại chưa phân công ra trận mới là chuyện bất thường”.
Nhà báo lão thành Tiền Phong kể lại trong bài viết “Tôi ở Báo Chiến Thắng” khi được điều động về Báo Chiến Thắng năm 1964: “Một trong nhiều kỷ niệm đẹp chung - riêng khó quên có thể viết ra thành đề tài, thành truyện là cuộc sống thủy chung, cách sống đạm bạc đơn sơ mà vô cùng nhân nghĩa của cơ quan thông tin báo chí Bến Tre trong chiến tranh. “Sống chết gì cũng phải ra báo!”, “Còn sống còn viết báo”. Đó coi như mệnh lệnh tự đặt ra trong mỗi người. Có lẽ bậc chú bác đi trước cũng từ mệnh lệnh này đã làm nên lịch sử báo chí Bến Tre từ khi có Đảng đến nay vẫn xuyên suốt, không bao giờ tắt”.
Tiểu ban Thông tấn Báo chí những năm tháng này đóng ở nhà dân và thường xuyên di chuyển. Địa bàn đóng lâu nhất là Giồng Trôm, Mỏ Cày, ở các xã như Tân Hào, Hiệp Hưng, Phước Long (Giồng Trôm), Bình Khánh, An Định, Thành Thới (Mỏ Cày). Đặc biệt, trong thời gian từ cuối năm 1970 đến hết quý I-1971, do các xã cánh trên của tỉnh bị địch chiếm, đóng đồn bót dày đặc, cơ quan của báo phải di chuyển xuống Thạnh Phú (Bãi Đầm, xã An Qui). Nhà báo lão thành Lê Chí Nhân vẫn nhớ: “Thời đó, cán bộ tuyên huấn sống trong sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân. Người làm báo vừa đánh giặc, vừa tích cực săn tin để có bài hay làm nức lòng hậu phương, tiền tuyến và đánh vào đầu não của địch”.
Đội ngũ phóng viên, biên tập của Tiểu ban Thông tấn Báo chí có tư tưởng chính trị vững vàng, vượt qua khó khăn ác liệt của chiến tranh, tinh thần tổ chức, kỷ luật, đoàn kết nội bộ, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trên. Nhiều phóng viên cùng với bộ đội ra mặt trận, tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn. Anh em chấp nhận khó khăn để đi vào thực tế nóng bỏng của cuộc chiến đấu, vào vùng sâu, vùng địch tạm chiếm để săn tin, bài. Đặc biệt, cán bộ biên tập, phóng viên hăng say học tập nghiệp vụ qua báo, đài của Trung ương, qua đồng nghiệp và tự đúc kết, rút kinh nghiệm bản thân, thể hiện nhiều tác phẩm đã đi vào lòng nhân dân.
Sẵn sàng hy sinh
Lịch sử đầy hào hùng của báo chí cách mạng ở tỉnh đã được viết nên bởi những thế hệ nhà báo kiên cường. Trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, người cầm bút vẫn kiên vững với mệnh lệnh từ trái tim “Sống chết gì cũng phải ra báo!”.
Nhiều nhà báo, phóng viên của báo chí Bến Tre đã anh dũng ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ. Cùng với nhà báo Thanh Giang, nhà báo liệt sĩ đầu tiên của Bến Tre (hy sinh năm 1947), báo chí Bến Tre còn ghi lại câu chuyện về các tấm gương hy sinh của các nhà báo Bến Tre.
Theo lời kể của tác giả Lý Cường trong Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre (1930 - 2010), nhà báo liệt sĩ Bảy Đồng, quê ở xã Ngãi Đăng, Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) là phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên của Báo Chiến Thắng, anh về báo năm 1962. Anh Bảy Đồng được kể lại là người nhanh nhẹn và gần gũi mọi người. Anh thường mặc bộ bà ba đen, quấn khăn rằn, vai mang túi đựng phim và tài liệu cùng chiếc máy ảnh và đèn flash cũ kỹ. Đặc biệt, nhà báo Bảy Đồng rất xông xáo mỗi khi được phân công cùng các đơn vị bộ đội ra trận để trực tiếp ghi lại những tấm ảnh tư liệu quý trong khoảnh khắc chiến thắng của lực lượng ta. Anh hy sinh khi đang cùng bộ đội xung phong đánh đồn Cầu Sập đầu năm 1963. Trận này, anh đã chụp được một số ảnh lúc bộ đội đang xung phong, lúc giặc đầu hàng. Khoảnh khắc đó, một tên giặc còn núp trong hốc đã bắn ra lúc anh đang bấm máy ảnh. Sau trận chiến, gửi về tòa soạn chỉ còn cái máy ảnh và đèn flash bị bể còn vương máu của người chiến sĩ.
Hay câu chuyện về nữ nhà báo liệt sĩ Thu Tâm đã quyết tâm theo con đường báo chí cách mạng khi chỉ mới 19 tuổi. Tuổi nhỏ nhưng chí không nhỏ, chị về tòa soạn Báo Chiến Thắng năm 1963 và luôn năng nổ vừa học nghề báo vừa làm đủ việc được giao từ đánh máy, nấu cơm đến bắt tép cá cải thiện, đi làm mía. Mỗi khi có chiến trận, có sự kiện cần viết tin và được tòa soạn phân công, dù ở xa hay khó khăn, nguy hiểm, chị đều can đảm đón nhận. Nhiều tin, bài của chị đã được đăng trên tờ Thông tin Bến Tre, đăng trên Báo Chiến Thắng lúc bấy giờ. Nổi bật, có bài phóng sự “Tân Xuân sau ngày địch càn quét” đăng trên Báo Chiến Thắng Xuân 1965 là tác phẩm tâm huyết của chị, ra đời khi chị cùng các anh chị phóng viên khác được phân công về vùng bị địch càn quét. Nữ nhà báo liệt sĩ Thu Tâm hy sinh khi chỉ 21 tuổi tại địa đạo Củ Chi (Sài Gòn) khi đang tham gia công tác báo chí ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn cùng nhà báo Vũ Tùng (Chủ tịch Hội Nhà báo dân chủ và yêu nước miền Nam Việt Nam) năm 1965, với lời nhắn nhủ mà đồng đội còn nhớ mãi “Quả tim này đã hiến dâng cho cách mạng, nơi nào cũng chiến đấu, nơi nào cũng làm cách mạng”.
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Báo Chiến Thắng những năm tháng ấy ngày càng trưởng thành, vững vàng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều đồng chí được bổ sung vào các chức vụ lãnh đạo của tỉnh, được rút về Tiểu ban Thông tấn báo chí của T2 (Khu 8). Báo chí cách mạng tỉnh giai đoạn này đã để lại nhiều bài viết có giá trị về mặt tư tưởng, chính trị cũng như về nghiệp vụ báo chí, văn học, cung cấp nhiều tư liệu quý về mặt lịch sử.