Khởi nghiệp với nấm linh chi

23/03/2020 - 06:42

BDK - Sản phẩm nấm linh chi và rượu linh chi Tấn Bửu là 2 trong 37 sản phẩm vừa được công nhận đạt chứng nhận OCOP Bến Tre hạng “3 sao” lần 2. Ðây là sản phẩm khởi nghiệp của chị Lê Thị Sáu, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách.

Chị Lê Thị Sáu đưa sản phẩm tham dự Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2019.

Chị Lê Thị Sáu đưa sản phẩm tham dự Hội chợ sản phẩm OCOP Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2019.

Chị Sáu kể: Tôi khởi sự với công nghệ nấm linh chi vì muốn tạo việc làm nhẹ nhàng hơn cho ông xã là anh Trần Bá Nghĩa, thương binh hạng 3/4. Khởi đầu, tôi được Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ. Trong đợt sản xuất đầu tiên, tôi đầu tư mua 20 ngàn phôi, sau khi thu hoạch đạt lợi nhuận 20%. Từ 4 trại nấm ban đầu, tôi phát triển lên 10 trại và mạnh dạn thành lập Công ty TNHH MTV SX - TM - DV Tấn Bửu.

Không dừng lại ở đó, dần dần chị làm chủ hoàn toàn công nghệ từ khâu sản xuất phôi nấm đến trồng nấm và quản lý tốt quy trình sản xuất đạt chất lượng. Ðể đảm bảo nguồn nước đạt chất lượng an toàn vệ sinh, chị đầu tư hệ thống lọc nước RO (lọc được mặn), với công suất 200m3/ngày.

Hiện nay, thương hiệu nấm linh chi Tấn Bửu có nhiều sản phẩm đa dạng như: trà linh chi hòa tan, cao linh chi mật ong, nấm linh chi đỏ, vân chi, hồng chi, rượu linh chi. Các mặt hàng đã xuất đi được một số thị trường lớn trong nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng là 2 thị trường khá mạnh của công ty hiện nay. “May mắn là nấm linh chi do công ty sản xuất đạt hàm lượng dược tính cao, được nhiều công ty dược rất quan tâm”,  chị Sáu cho biết.

Bên cạnh sản xuất nấm linh chi, chị đã mở rộng phát triển sang nấm bào ngư. Ðược địa phương quan tâm giới thiệu, chị tiếp cận Dự án AMD tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Chị được dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất. Chị tâm sự: “Mình muốn tạo cơ hội cho nhiều người thân trong gia đình, phụ nữ nghèo tại địa phương tăng thêm thu nhập hàng ngày. Theo đó, công ty cung cấp phôi nấm bào ngư cho 150 hộ dân thuộc 3 xã Vĩnh Hòa, Hòa Nghĩa, Long Thới, trong đó có 70% là hộ nghèo, cận nghèo. Ðồng thời, công ty bao tiêu đầu ra cho các hộ dân”.

Là một phụ nữ nông thôn, bước ra khởi nghiệp đã khó, tiếp cận và nắm bắt để làm chủ công nghệ càng khó hơn. Vậy mà, chị Lê Thị Sáu đã cùng chồng vượt qua bao khó khăn, thử thách trong 6 năm qua. Chị cho biết, hướng tới sẽ tiếp tục chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đa dạng thêm các sản phẩm từ nấm linh chi và mở ra hướng đi mới trong phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN