Không ai thức giấc

24/03/2017 - 07:39

Dường như vết cắt của con dao băm bèo đã khiến mọi chuyện trở về. Đó là con dao dài tầm bốn tấc, to bản và sắc lạnh lùng. Nó đã canh me lúc chị sơ hở mà để lại một vết đứt dài, sâu tận xương ở gốc ngón tay cái.

 

Cơn đau âm ỉ cùng những bức bối của tuổi già đang đến khiến chị trằn trọc, bực dọc. Chị như giật nảy mình khi chợt nhớ lại: Ôi, tại sao mình lại tha thứ cho họ? Ghê gớm thế mà, khốn nạn thế mà? Mất mát đó đâu phải chỉ đơn giản là chuyện đưa tay vớt hụt một cánh bèo để nó trôi đi biền biệt? Là họ đã cắt ruột thẻo gan mình và dửng dưng lôi đi cơ mà?...

Tim chị đêm nay cứ cuộn lên như cái cồn cào của mười mấy năm trước.

Chị đã đặt con chị ở võng đấy, pha sẵn bình sữa đặt ở kia. Ông nội nó chỉ cần thi thoảng kéo nhè nhẹ cho võng lắc lư. Con chị mang nặng đẻ đau sẵn cho cả họ bu vào nựng nịu, chị không đòi tiền công, chỉ cần trông giúp chị ít phút để chị ra chợ.

Chỉ thế thôi! Mà cũng không xong!

Chị thấy người ta đứng chật ních sân nhà. Chị chẳng thấy con chị nơi cái võng úp ngược.

Con trăn của ông già chồng đang nằm dài phè phỡn, bụng no tròn ở giữa sân.

- Mổ ra!... Mổ bụng nó ra…

Chị không nhớ rõ đó là tiếng gào của mình hay là lời của hàng xóm.

- Mổ ra cũng muộn rồi.

Không rõ đó là lời của ông già chồng hay lời của hàng xóm.

Chị bấu tay vào hai ống quần, chạy sang trái sân rồi chạy ngược sang bên phải sân. Chị không khóc ra tiếng, chỉ có tiếng ư ử trong cổ, nước mắt đổ suối trên hai gò má xanh lè và nước đái nóng hổi tràn trề ra ngập háng.

Dường như chị nghĩ đây là một tấc phim, cứ đi lùi lại là có thể cứu vãn mọi thứ. Nên chị quay đầu chạy ngược ra lộ. Như con bé con bị đám trẻ trai giật mất búp bê mà không có ông bụt hiện ra phân giải, chị cứ một mình khóc hư hư chạy chân đất trên đường. Chị hướng về nhà mẹ ruột, chạy thẳng vào bếp cầm cây củi lên quơ quơ đập đập, không nói nên lời. Những việc ấy chẳng có một ý nghĩa nào cả. Chỉ có người hàng xóm chạy theo sau mới giúp ba mẹ chị hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Chồng chị từ Bình Phước về, sang nhà mẹ vợ vén màn nhìn tấm lưng chị bất động trên giường. Rồi mười lăm năm nay anh không qua nữa.

Người ta hỏi sao kỳ. Có người bảo không phải tại anh vô tâm. Tại anh yếu đuối quá. Anh không đủ can đảm đối mặt với chị. Có lẽ anh cũng ước đời là một cuốn phim có thể tua lại: anh chưa cưới vợ, chưa đi xa, chưa từng mất mát.

Có lẽ như vậy tốt cho cả hai. Mười mấy năm nay, ruộng nâng thành đường, sông bắt được cầu, hai gia đình mạnh ai nấy đi một hướng, chẳng có dịp gặp lại nhau. Hai lối tách biệt, nỗi đau không gặp nỗi đau, để không dâng lên thành chất ngất.

Chị chưa bước hẳn vào tuổi già, nhưng có tật quên nhớ thất thường. Chỉ có chăn lợn, băm bèo, hốt phân gà là giỏi giang thành nếp. Vậy cũng hay. Trí nhớ tốt quá để làm gì!

Chiều nay khi ngồi ở trạm y tế xã chờ được bôi thuốc, chị nghe người ta bảo thằng cháu lớn của ông Hai chuẩn bị đám cưới. Chị đột nhiên hỏi: Trời ơi con tui cũng là cháu nhà ấy cơ mà, sao đứa thì sắp cưới vợ, đứa mãi không biết bò là gì? Bất công quá, đúng hôn! Chị nước mắt lưng tròng chạy đi bỏ lại sau lưng cậu y tá trẻ tay cầm lọ cồn tay cầm băng gạc.

Không hẳn là chừng ấy năm chị chưa từng quay lại nhà chồng. Chắc có chứ, nhưng vì lí do gì chị vẫn quay lại nhà mẹ ruột và cắm mặt băm bèo từng ấy năm thì chị không nhớ rõ.

Tiếng chuột chuyền cành làm chị bừng tỉnh. Chị nhận ra chân mình đang giẫm lên nền cỏ của cái chân rào xa lạ. Mười mấy năm trước nơi đây không có rào, nhưng chắc bên trong là khoảng sân chị túm quần lết từ bên này sang bên kia. Nước chị tè từng đọng vũng nơi đây.

Không rõ nhà có nuôi chó hay nuôi bất cứ thứ gì không, nhưng những bước chân ngập ngừng của chị không có thứ gì lao ra cản ngăn.

Đêm yên tĩnh đến mức chị nghe rõ tiếng ình ịch từ ngực trái. Giờ làm gì nhỉ, đạp cửa xông vào gào khóc bắt đền? Con tôi đâu, trả con tôi đây. Mười sáu năm, không cần lấy lãi. Chỉ cần trả con tôi đây!... Chắc người ta sẽ quỳ xuống dập đầu: Xin lỗi, chúng tôi xin lỗi!...

Hai hàng nước mắt chực tuôn ra thì tiếng húng hắng ho trong nhà làm chị giật thót mình. Nước mắt cũng vội vàng chui ngược trở vào tuyến lệ.

Chị hồi hộp chờ đợi. Tiếng ho dứt. Mọi thứ lại chìm vào im lặng. Không ai thức giấc lúc này. Hai ba tiếng ngáy kho kho của đàn ông vọng đều ra. Chị chẳng còn phân biệt được đâu là tiếng ngáy của ai nữa, chỉ biết đây là tiếng ngáy của giấc ngủ sâu...

Thôi nhớ rồi! Chị nhớ rồi. Đâu phải là chị chưa từng về lại đây. Một đêm nào đó của nhiều năm trước, chị về lại đây ngồi vật xuống bậc thềm ôm ngực khóc ngất khóc nghẹn. Giận gì nhau. Giận chi nhau. Chỉ cần anh mở cửa bước ra ngồi xuống cạnh chị, vỗ nhè nhẹ vai chị: “Nín em ơi, nín đi”, là chị có thể tự quẹt nước mắt quên sạch mọi thứ. Chỉ cần đêm đêm anh quay qua gác cái chân đàn ông nặng trình trịch lên bụng chị là mọi nỗi đau không còn cơ hội cuộn trào.

Chị đã khóc, khóc nhiều lắm mong anh nghe thấy. Rồi như đêm nay, bất chợt tiếng ngáy vang lên. Không ai thức giấc khi ấy. Chị im bặt tiếng khóc. Mấy giọt nước mắt lấp lánh ánh trăng trên nền sân và chị ngó nhau ngượng ngùng. Tự nhiên chị thấy mình trơ trẽn dễ sợ. Người ta quên rồi mình nhớ chi cho thêm ngượng.

À thì ra là vậy! Thì ra đã từng vậy!

 Đêm nay tiếng ngáy còn nhiều và đều hơn trước. Chị lại thấy mình trơ trẽn. Về thôi, người ta quên rồi mình nhớ chi cho thêm ngượng.

 

Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN