Không xa… thành phố Bến Tre

30/01/2009 - 08:57

Người dân Thị xã Bến Tre đồng ý gần 100% tên gọi thành phố tương lai “của mình” là Bến Tre. Vì sao ư? Một lão nông ở xã Phú Hưng giọng chắc nịch như lúa một giạ 20 lít: Tui thấy như vậy là hợp! Ông đâu có rành chuyện lãnh đạo các cấp tính nát nước để chọn tên đi vào lòng người.

Chủ tịch UBND Thị xã Nguyễn Tấn Đạt cho biết, Ban Thường vụ thị xã ủy đưa ra nhiều phương án nhưng trụ lại vẫn là tên Bến Tre. Còn Bí thư Thị xã ủy Hà Thanh Niên, một lần chia sẻ với Đồng Khởi, nhân dân tâm đắc tên gọi Bến Tre thân thương vì đã gắn bó hàng bao đời, hơn 100 năm qua. Hai tiếng Bến Tre gắn liền với tập quán, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng như “Bến Tre Đồng Khởi”, “xứ dừa Bến Tre”, “dáng đứng Bến Tre”, “Bến Tre ba dải cù lao”… Tên gọi ấy đã được ghi trên các giấy tờ, thủ tục hành chính của công dân Bến Tre cũng như công dân Thị xã; đã trở thành thương hiệu của nhiều sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, hầu hết các địa phương trong nước đều lấy tên tỉnh đặt tên cho đô thị trung tâm vì lẽ thuận tiện cho quan hệ giao dịch ra ngoài tỉnh…

Tỉnh ủy Bến Tre khóa VII và VIII dành hẳn hai Nghị quyết chuyên đề về đô thị. Nghị quyết số 07-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển đô thị thị xã Bến Tre giai đoạn 2002-2005 và định hướng đến 2010 và nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển đô thị Bến Tre đến năm 2010 và định hướng đến 2020. Thị xã như đón làn gió mới, bộ mặt đô thị thay đổi đến chóng mặt. Một sự thích ứng với tầm phát triển của Bến Tre. Nhiều người xa xứ lạc lối khi chân đặt đến cửa ngõ thị xã. Năm 2007, thị xã Bến Tre được công nhận đô thị loại ba. Bảy thị trấn trong tỉnh cũng đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 5 vào năm 2010. Theo Bí thư Thị xã ủy Hà Thanh Niên, thành phố tương lai của quê hương Đồng Khởi sẽ là một đô thị văn minh hiện đại, có môi trường xanh, sạch, đẹp, kiến trúc, cảnh quan mang nét đặc trưng; vừa xây dựng mới vừa cải tạo các công trình kiến trúc kết hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đến thành phố tương lai này bạn có thể dạo phố, mua sắm ở những nhà cao tầng mà môi trường, cảnh vật tự nhiên vẫn được duy trì (rạch Cái Cá, Cá Lóc, Gò Đàng).

Như cô dâu trước ngày cưới, thị xã làm cho mình đẹp hơn, có nết ăn nết ở phù hợp ngôi nhà mới. Nhà chuyên môn gọi là chỉnh trang đô thị. Nói đến đường sá, thị xã bây giờ cũng đã thênh thênh thang thang. Tuyến tránh quốc lộ 60 vắt qua địa bàn hai xã Sơn Đông, Bình Phú điểm xuyết những điểm sáng trên nền “áo mới” cho sự phát triển của thị xã. Dù là mới nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây là chưa đủ. Anh Bùi Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị cho biết: Năm qua, tỷ lệ nhà kiên cố vượt tiêu chí theo qui định của đô thị loại ba (42/40%). Về phát triển giao thông nông thôn có 24 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Hẻm thì mở rộng, đường thì văn minh. Khoảng 5 năm trở lại đây, Thị xã có 12 tuyến đường văn minh, có thể kể đến Hùng Vương, Đồng Khởi…

Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Tấn Đạt thở dài nhẹ nhàng khi nghĩ về những con số hay sự kiện năm 2008. Công tác xây dựng và quản lý đô thị được thực hiện bằng nhiều nguồn. Thị xã xác định được trọng tâm, tập trung tranh thủ các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn (vốn bên ngoài và ngân sách, huy động nhân dân). Thị xã làm tốt khâu hóc búa là giải phóng mặt bằng lẫn huy động sức dân. 150 tỷ đồng là con số “sinh” ra từ dân sau khi nghị quyết 07 đi vào cuộc sống. Cũng lấy nghị quyết 07 làm mốc so sánh trong quản lý đô thị theo anh Tuấn đánh giá, việc “vỡ” qui hoạch từ phía người dân ngày một ít. Kết quả, càng về sau bộ mặt đô thị càng có nề nếp, như chỉnh trang bảng quảng cáo, vỉa hè… Đến 2020, Thị xã tiếp tục mở không gian đô thị ra cánh Bắc theo tuyến quốc lộ 60, đường tỉnh 885 và đô thị hóa bờ Nam sông Bến Tre. Anh Tuấn hình dung ra ngày cầu Bến Tre 1 gần 500 tỷ đồng khởi động và hoàn tất-chắc chắn có nhiều điều hay.

Đường sá mở tới đâu thì nhà cửa mọc san sát tới đó. Nhiều người đi tắt, đón đầu vận hội mới. Nói tới chuyện này có người tưởng mình chưa hết cơn mơ. Chị L. là một “đại gia” mới xuất hiện. Cách nay khoảng mươi năm, vợ chồng chị, chắt bóp tiền mua vài công đất ruộng ở “vùng ven” với ý định “vui điền viên sau khi hưu trí”. Tưởng vậy thôi. Ai dè chợ Phường 7 “mọc” trên đất nhà chị, thêm khu dân cư Sao Mai nằm liền kề đó làm đất của chị “phỏng tay” ai muốn đụng vào. Vậy đó nhưng có nhiều người sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư cho “một đô thị ngày mai tốt đẹp hơn”. Công trình cầu Hàm Luông, bờ kè sông Bến Tre… là minh chứng. Dân thị xã biết hài hòa giữa cái chung, cái riêng, để không lý gì mà làm chậm bước các công trình. Nếu tính thu nhập bình quân đầu người năm vừa qua thì dân thị xã đạt trên 1.200 USD. Chưa giàu “đổ vách” nhưng người đất Bến rất “chịu chơi”, biết nhìn xa hơn cho một tương lai gần.

Những năm gần đây, hệ thống thương mại-dịch vụ của Bến Tre phát triển như… vũ bão. Nói chi xa xôi, khoảng 5 năm về trước, lỡ nhận lệnh gấp đi công tác ngoại tỉnh dài ngày là giới nữ công sở… bó tay, không xoay sở ra bộ cánh mới cho bằng chị bằng em. Không vì chuyện tiền nong mà vì đào không ra một shop thời trang về đêm. Có còn người so sánh (dù mọi so sánh đều là khập khiễng) thị xã với “thị trấn không đèn” nổi tiếng một thời của nữ nhà văn Trầm Hương. Lúc đó cỡ 9 giờ đêm là đường phố vắng tanh, thị xã đi ngủ sớm. Cửa hàng thời trang, rạp chiếu phim, hàng quán cũng một cảnh ngộ. Giờ thì những tuyến đường chính của thị xã rực rỡ hẳn lên bởi sự đông đúc và đa dạng các loại hình dịch vụ. “Mua có bạn, bán có phường”, muốn hàng kim khí điện máy thì đến Nguyễn Đình Chiểu (phường 2), thời trang thì đến đại lộ Đồng Khởi (phường 4, Phú Khương), còn ăn uống thì sang tuyến tránh quốc lộ 60 (Bình Phú). Hệ thống ngân hàng, thương mại dịch vụ, bưu chính viễn thông phát triển ngày càng đồng bộ, góp phần quan trọng vào đời sống thị dân. Dân thị xã bây giờ đã quá quen khái niệm mở tài khoản, giao dịch qua thẻ, thậm chí làm nhà đầu tư chứng khoán…

Trong cuộc sống, người Bến Tre sáng tạo ra những phương thức vận động để văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển. Có thể nói tới phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Giờ thì sự ra đời của hệ thống nhà văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã đi vào nề nếp. Thị xã tự hào mình là trung tâm kinh tế- văn hóa-chính trị của tỉnh. 2010 thị xã Bến Tre có đổi danh hiệu sang thành phố đúng hẹn? Trước nhiều thông tin khả quan, người dân thị xã hiện nay ráo riết bước nước rút ở một “mặt trận” khác-thành phố văn hóa. Bến Tre đang chờ ngày Châu Thành trở thành huyện văn hóa, hy vọng thị xã đến đích không còn xa. Đến thời điểm này, thị xã có 7/15 xã, phường văn hóa. “Chậm mà chắc”. Nghĩ đến đề án tương lai của thị xã về con người mới, thành phố mới hàng vạn người dân xứ dừa không khỏi bồn chồn trông đợi. Trước mắt, thị xã đang hoàn tất đề án xây dựng nếp sống mới cho thành phố tương lai, khả năng thực hiện vào năm 2009. Những người chấp bút đề án tham khảo nhiều “thành phố trẻ” và “không trẻ” trong cả nước để chọn ra những tiêu chí phù hợp.

“Tôi yêu… thành phố của tôi”, nhiều người thừa nhận. Tuy nhiên, ở tình yêu lớn này, cũng lắm kỳ vọng được đặt vào. Hiện tại, điểm vui chơi giải trí còn hiếm. Quán cà phê, quán nhậu như nấm. Trên địa bàn thị xã có một trung tâm văn hóa, một rạp chiếu phim… rồi thôi. Không ít người mơ thêm vào đó là rạp hát, sân khấu ca nhạc, sân chơi cho thanh niên… chuyên nghiệp hơn. Được vậy thì điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần của “người thành phố” phong phú hơn. Còn trong quản lý trật tự đô thị và văn minh đô thị, ở ba công tác trọng tâm của Tỉnh ủy, thị xã chọn mũi đột phá là môi trường. Kiên quyết không đổi môi trường lấy về sự phát triển kinh tế, thời gian tới việc khoanh vùng và di dời những “điểm đen” môi trường ra khỏi phạm vi nội ô sẽ được tiến hành. Anh Đạt khoác tay trên bản đồ hành chính của thị xã rồi dừng lại nơi Mỹ Thạnh An và Phú Hưng. Anh cho biết, tỉnh sẽ duyệt một trong hai vị trí trên làm điểm tập kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm.

Một thành phố trẻ như Bến Tre còn hứa hẹn nhiều cuộc bứt phá hơn thế.

NG.D

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN