Chi cục Thủy sản khuyến cáo: nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh không nên thả con giống để nuôi vào thời điểm tháng 12-2019 và 1, 2, 3 năm 2020. Phải chờ vài cơn mưa xuất hiện, độ mặn giảm trong ngưỡng (10 - 25‰) mới bắt đầu thả giống nuôi.
Các khu nuôi có đủ điều kiện nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, khuyến khích áp dụng các hình thức nuôi tôm tiên tiến, như: nuôi tôm trong nhà kính, nhà lưới, nuôi tôm nhiều giai đoạn, nuôi tôm khép kín, ít thay nước...
Mực nước trong ao nuôi duy trì tối thiểu từ 1,3 - 1,5m. Nếu cần bổ sung nước thì phải được lấy từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời, chạy quạt để tránh phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy, giảm thiếu oxy cục bộ.
Lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Chỉ thả giống khi nhiệt độ dưới 30oC (sáng sớm hoặc chiều mát). Độ mặn duy trì từ 10 - 25‰...
Nuôi tôm quảng canh, tôm xen rừng, tôm - lúa, đầu vụ nuôi nên cải tạo thật kỹ, lấy nước vào ao nuôi có độ mặn phù hợp (5 - 15‰). Bờ mương rộng từ 3 - 4m, phải được đầm nén thật cẩn thận, giữ nước tốt. Mật độ thả tối đa từ 2 - 3 con/m2, nên thả con giống cỡ Post 15 - 20cm, ương giống từ 20 - 30 ngày trong vèo hoặc trong ao ương trước khi thả ra ao nuôi.
Đối với nghêu, sò huyết, hàu chọn vùng có điều kiện nuôi phù hợp, như: gần cửa sông, bằng phẳng, độ dốc thấp, ít sóng gió. Thời gian phơi bãi không quá 4 - 5 giờ/ngày. Độ mặn thích hợp từ 15 - 20‰. Người dân không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi (từ tháng 1 - 3 âm lịch).
Người nuôi theo dõi biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn...), mật độ và tình trạng sức khỏe theo từng vùng, khu vực, nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường để có giải pháp phù hợp. Nếu phát hiện nghêu, sò chết trên bãi, lập tức thu gom để tránh ảnh hưởng sang các cá thể còn sống.
Các đối tượng thủy sản nước ngọt, cần có kế hoạch thả giống phù hợp cho từng đối tượng. Từ nay đến hết tháng 3-2020, không nên thả giống nuôi tại các vùng ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn cao và lâu.
Người nuôi theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường nuôi, nhất là độ mặn để có kế hoạch chăm sóc quản lý phù hợp cho thủy sản nuôi. Đối với lồng bè có thể di dời về vùng an toàn nếu khu vực nuôi bị nhiễm mặn >5‰.
Các đối tượng nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm thì cần chủ động thu hoạch để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Minh Triều