
Sản xuất lưới búa - sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022 của tỉnh tại Công ty Hưng Long, huyện Mỏ Cày Nam.
Mở rộng sản xuất
Sau dịch Covid-19, mặt hàng lưới búa làm từ chỉ xơ dừa hút hàng mạnh. Tại huyện Mỏ Cày Nam, ông Mai Văn Nhiễm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu dừa Hưng Long (Công ty Hưng Long) cho biết: “Nhiều đối tác nước ngoài đến công ty đặt mua lưới búa để phủ mặt đất, ngăn cỏ mọc lên, nhưng chúng tôi không sản xuất kịp. Chỉ riêng một đối tác Hàn Quốc, yêu cầu mỗi tháng chúng tôi xuất tối thiểu 120 container (khoảng 1.080 tấn chỉ xơ dừa thành phẩm), nhưng chúng tôi chỉ cung cấp được 95 container (hơn 850 tấn)”.
Trước sức hút của thị trường, mặt hàng lưới búa được Công ty Hưng Long đẩy mạnh sản xuất. Nhờ nguồn vốn “mồi” 300 triệu đồng từ chương trình KC, ông Mai Văn Nhiễm mua thêm 20 máy xe dây và 3 máy tự động xe chỉ đơn, tổng số tiền mua thêm máy móc khoảng 1,6 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Mới đây, sản phẩm lưới búa của Công ty Hưng Long lọt vào danh sách 20 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh năm 2022 của tỉnh.
Về triển vọng của mặt hàng chỉ xơ dừa, mà cụ thể là lưới búa, được biết, hiện một số công trình điện mặt trời ở các chân núi Nhật Bản đang cần mua số lượng lớn để phủ mặt đất, không cho cỏ mọc lên. Chỉ xơ dừa của Mỏ Cày Nam được xếp vào mặt hàng chống biến đổi khí hậu và doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này cũng gia nhập các tổ chức về chống biến đổi khí hậu của thế giới. Riêng Công ty Hưng Long đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động tại huyện Mỏ Cày Nam. Trong thời gian tới, khi huyện thành lập cụm công nghiệp tại xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, doanh nghiệp này dự kiến cần đến 3.000 lao động sản xuất chỉ xơ dừa và dầu dừa.
Hỗ trợ phát triển
Năm 2022, hoạt động KC tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, Trung tâm KC tỉnh có những hoạt động chính như: tổ chức đoàn khảo sát các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn KC năm 2022 tại các huyện/thành phố; trình cấp có thẩm quyền xét duyệt thông qua danh mục 31 đề án (trong đó, 30 đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, phát triển sản xuất và 1 đề án đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải). Bước đầu hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng các đề án KC tỉnh đã được duyệt danh mục.

Sản phẩm thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Tri năm 2022 công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Triển khai thực hiện 3 đề án KC tỉnh do Trung tâm KC trực tiếp thực hiện đã được xét duyệt thông qua gồm: Đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT thuê tư vấn phát triển sản xuất, kinh doanh; Đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước năm 2022; Đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNTTB đầu tư phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm.
Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh. Kết quả có 20 sản phẩm của 20 cơ sở CNNT đạt bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh. Đồng thời, đã gửi hồ sơ 15 sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh của 15 cơ sở công nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp khu vực. Theo Sở Công Thương, số lượng cơ sở, doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ kinh phí KC tỉnh vào đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất tăng cao hơn so với các năm trước, tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ cho nội dung này còn hạn chế.
Bên cạnh đó, năm 2022, tỉnh được Bộ Công Thương quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho hoạt động KC quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 3,6 tỷ đồng tại Quyết định số 2996/QĐ-BCT ngày 28-12-2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí KC quốc gia năm 2022, trong đó bao gồm các nội dung: hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 4 cơ sở CNNT (kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng). Xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT. Tổ chức hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất...
Hiện Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại tỉnh đã ký hợp đồng thực hiện đề án KC quốc gia với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm từ dừa cho 4 cơ sở CNNT. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, khảo sát tiến độ và hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai thực hiện đề án đúng quy định.
Theo Sở Công Thương, các hoạt động KC tại tỉnh như hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT đã góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã tiếp cận được xu hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, quan tâm cải thiện, phát triển điều kiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo