Khuyến đọc và đọc sách hiệu quả

19/04/2021 - 07:04

BDK - Khai mạc từ ngày 16-4-2021, với những hoạt động phong phú về khuyến đọc, Đường sách xứ Dừa 2021 đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của cộng đồng, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên và bạn đọc nhiều lứa tuổi.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn (đi đầu) tham quan khu vực công nghệ tại Đường sách xứ Dừa.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn (đi đầu) tham quan khu vực công nghệ tại Đường sách xứ Dừa.

Tạo môi trường đọc mới

Những năm qua, cùng với Dự án Sách cho tương lai và sự chung tay của nhiều ngành, địa phương, đơn vị đã thật sự tạo nên luồng gió mới, để cộng đồng có sự quan tâm nhất định đối với văn hóa đọc và công tác khuyến đọc. Từ các cuộc thi cảm nhận sách, đại sứ văn hóa đọc, các phong trào hỗ trợ khuyến đọc như làm tủ sách lớp học, xây dựng thư viện trường học năng động đều đạt được những kết quả nổi bật, phát hiện nhiều nhân tố mới. Qua đó cho thấy vấn đề trong câu chuyện khuyến đọc của tỉnh chính là tuổi trẻ tỉnh nhà thiếu nguồn sách hay để đọc chứ không phải là hoàn toàn không thích đọc sách.

Chia sẻ về ý tưởng tổ chức Đường sách xứ Dừa, chị Lâm Như Quỳnh - Phó bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho biết: Để tạo bước đệm mới cho công tác khuyến đọc, năm nay chúng tôi muốn kết nối những nhà xuất bản (NXB) đem sách hay về Bến Tre để bạn đọc tiếp cận. Đồng thời mời những tác giả nổi tiếng, những nhân vật có khả năng truyền cảm hứng đọc sách để giao lưu, chia sẻ về sách, văn hóa đọc, giúp cho bạn đọc, nhất là thanh thiếu niên đến gần hơn với sách.

Đường sách xứ Dừa qua những ngày đầu diễn ra với các hoạt động phong phú đã đem lại cho công chúng những giá trị mới mẻ. Bên cạnh các khu vực trưng bày, triển lãm, bày bán sách các thể loại của các NXB Giáo dục, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Fahasa Bến Tre, Công ty Sách và Thiết bị, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, bạn đọc còn được trải nghiệm đọc ấn bản điện tử Bến Tre rực sáng đường dài của Tỉnh Đoàn hay đăng ký thẻ thư viện Nguyễn Đình Chiểu chỉ bằng một thao tác quét mã QR từ điện thoại di động. Các hoạt động về sách vô cùng phong phú từ không gian đọc sách đến giao lưu tác giả, tác phẩm, thi cảm nhận sách, thi vẽ tranh bìa sách, tập huấn, tọa đàm, hội thảo các chủ đề về sách, định hướng nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ số trong dạy và học.

Đến tham quan Đường sách xứ Dừa chiều 16-4-2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao chuỗi hoạt động đang diễn ra và cho biết: “Việc tổ chức các đường sách, phố sách ở các trung tâm lớn nhằm mục đích để người dân đến đây có thể trải nghiệm và khơi dậy lòng đam mê đối với sách từ lứa tuổi trẻ em cho đến người lớn. Với trách nhiệm của người đứng đầu có sự quan tâm nhiều thì văn hóa đọc của tỉnh sẽ ngày càng phát triển. Chúng tôi mong muốn từng địa phương, lãnh đạo nêu gương về đọc sách thì mới tạo được sự chuyển biến trong cộng đồng. Những hội sách như thế này nên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như tọa đàm, giới thiệu những quyển sách về con người Bến Tre để tạo sự lan tỏa, trước hết người Bến Tre phải tự hào về người Bến Tre”.

Đọc đúng cách

Tại Đường sách xứ Dừa, câu chuyện về khuyến đọc và đọc sách hiệu quả đã được đưa ra phân tích với ý kiến của những tác giả là nhà văn, nhà báo, người làm công tác giáo dục, đào tạo, những người viết sách đã tạo được dấu ấn trong xã hội.

Khuyến đọc thời gian qua luôn được đề cập rất nhiều, cũng như cộng đồng đã khẳng định giá trị của sách đối với sự phát triển của con người. TS. Đặng Tất Dũng - giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Với sách, chúng ta có thể sống bằng những trải nghiệm của người khác, sách giúp phát triển tư duy về ngôn ngữ và tăng trải nghiệm bản thân, đến với sách để thoát khỏi những giới hạn trong cuộc sống thông thường”.

Nhà báo, tác giả Dương Thành Truyền - Quyền giám đốc NXB Trẻ cho rằng: “Đọc sách cho chúng ta năng lực lập luận, là một trong các năng lực cốt lõi của năng lực tư duy. Đọc sách cho chúng ta năng lực thấu cảm với người khác, chính khả năng kết nối với những trải nghiệm trong sách giúp chúng ta hiểu và thấu cảm người khác nhiều hơn”.

Tuy nhiên, việc khuyến khích đọc nhiều, đọc nhanh chưa hẳn là hiệu quả, mà kinh nghiệm đúc kết từ chính bản thân các diễn giả chính là “đọc sách có kế hoạch” để thật sự phát triển bản thân. “Truyện, văn chương, các bạn có thể đọc tùy thích, tùy theo nhu cầu, xu hướng, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt, những thể loại này giúp chúng ta cảm nhận cuộc đời, liên kết với cuộc đời. Nhưng đọc để phát triển bản thân, định hướng tương lai, nghề nghiệp thì hãy chọn lĩnh vực (cái mà chúng ta có ít nhiều hiểu biết cơ bản, vừa phải thích và phải cần thiết cho nghề nghiệp của chúng ta). Khi xác định được lĩnh vực thì cần kiên trì trong 2 - 3 năm để theo đuổi và đọc sâu, chúng ta khai phá lĩnh vực từ căn bản để mở lối tiếp tục khai phá các lĩnh vực mới. Điều này sẽ tạo nên nội lực mới cho bản thân người đọc”, ông Dương Thành Truyền chia sẻ.

Bên cạnh đó, để đọc sách một cách hiệu quả thì có thể đọc từ rộng đến hẹp, xem mục lục trước để hình dung rồi đọc vào chi tiết. Đồng thời vừa đọc vừa có sự liên tưởng, so sánh, gắn với thực tế cuộc sống để có thể nhớ lâu. Một điều quan trọng cần lưu ý là đọc ít nhưng có chất lượng, có sự nghiền ngẫm, nghiên cứu, để thấm, để hiểu và thực hành kiến thức, biến kiến thức từ đọc được trên sách trở thành kiến thức, nội lực của chính bản thân mỗi người.

Sách - người bạn lớn của nhân loại. Để sách thật sự trở thành tài sản quý, bản thân mỗi người phải tự dành cho mình thời gian để đọc sách và đọc sách một cách hiệu quả. Đồng thời lan tỏa những giá trị thiết thực, góp phần khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN