Kiểm tra tiến độ chuẩn bị bầu cử và công tác phòng, chống hạn mặn

09/03/2016 - 07:13

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đang kiểm tra tình hình cấp nước tại Ấp 6, xã Bình Thắng. Ảnh: M. Phương

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hải Châu vừa có cuộc kiểm tra tiến độ công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và công tác phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn huyện Bình Đại, Châu Thành.

* Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử huyện Bình Đại, sau Hiệp thương lần thứ nhất, huyện dự kiến giới thiệu 59 người chính thức ứng cử đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016-2021, bầu lấy 35 đại biểu. Về cấp xã, dự kiến có 1.066 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021, bầu lấy 520 đại biểu. Tuy nhiên, có 8 xã không đạt tỷ lệ nữ theo cơ cấu, 1 xã không đạt tỷ lệ trẻ theo cơ cấu. Để đảm bảo đến hội nghị Hiệp thương lần thứ ba các tỷ lệ đều đạt theo cơ cấu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ủy ban Bầu cử huyện cần nhanh chóng cử cán bộ đến các xã không đạt tỷ lệ để trực tiếp tư vấn, khắc phục, xử lý kịp thời.

Về công tác phòng, chống hạn mặn, UBND huyện cho biết, đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đấu nối đường ống, mở thêm đầu ra để cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân ở khu vực Thừa Mỹ (xã Thừa Đức), nhà tránh trú bão xã Thới Thuận, khu vực ấp Phước Bình (xã Thạnh Phước); phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý và vận hành hệ thống cống điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân… UBND các xã vận động nhân dân thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng. Ngoài ra, một số xã ở tiểu vùng I, II đã vận động nhân dân đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ trồng trọt và chăn nuôi.

Qua thống kê sơ bộ, Bình Đại hiện có 277ha lúa Đông Xuân và gần 25ha rau màu bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn; gia súc, gia cầm chưa bị ảnh hưởng nhiều do các hộ chăn nuôi có quy mô lớn chủ động trữ nước khá tốt; một số hộ nuôi bò thuộc Ấp 6, xã Bình Thắng đang gặp khó khăn về nước uống. Các nhà máy nước ở Long Định, Thới Lai, Lộc Thuận, Phú Long đều bị nhiễm mặn từ 1,5 - 2,5%o. Nếu hạn mặn kéo dài, hồ chứa nước Ba Lai bị nhiễm mặn, nguồn nước giồng cát cạn kiệt sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt chung trong toàn huyện. UBND huyện Bình Đại kiến nghị tỉnh cần gia cố khẩn cấp đoạn đê bao xã Tam Hiệp, đoạn đầu cồn ở Ấp 1, chiều dài 100m và đoạn gần cuối cồn Ấp 4, chiều dài 3.900m; đồng thời, hỗ trợ các phương tiện dự trữ nước cho những hộ khó khăn ở những vùng giao thông và hệ thống đường ống dẫn nước không đến được.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi yêu cầu UBND huyện cần nắm chính xác những thiệt hại trên địa bàn huyện để khi có chính sách thì hỗ trợ ngay cho người dân. Trước mắt, địa phương cần khai thác tốt nguồn nước từ giếng giồng cát và giếng tầng nông để lấy nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, chăn nuôi; tích cực vận động những hộ có nước nhiều chia sẻ nước cho những hộ không có nước. Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dùng sà lan chở nước ngọt cho người dân với giá thấp chỉ bằng 2/3 giá xe bò. Về lâu dài, địa phương cần vận động người dân trữ ngọt trong mương vườn, hứng nước mưa, thay đổi mùa vụ để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.

* Theo Ủy ban Bầu cử huyện Châu Thành, sau Hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất đưa ra 61 người ứng cử chính thức có đủ tiêu chuẩn theo Trung ương quy định để bầu 37 đại biểu HĐND huyện khóa này (tỷ lệ nữ chiếm đến hơn 36%, trẻ hơn 20%, ngoài Đảng gần 11%). Cùng với đó, các xã, thị trấn đều đủ điều kiện được tăng thêm số lượng đại biểu theo Công văn số 13/2016 của Ủy ban Bầu cử tỉnh. Tuy nhiên, có 8 xã không đảm bảo cơ cấu tỷ lệ nữ, trẻ, ngoài Đảng theo quy định. Có 3 xã điều chỉnh cơ cấu là Giao Hòa, Tam Phước, An Phước. Cùng với đó, Ủy ban Bầu cử huyện đã triển khai cho 11 xã đủ điều kiện tăng thêm số lượng đại biểu và 4 xã báo cáo tăng thêm số lượng đại biểu được bầu. Đoàn đã trực tiếp đến 2 xã An Khánh và Phú Túc để hỗ trợ các địa phương này giải quyết khó khăn.

Ông Nguyễn Hải Châu yêu cầu Ủy ban Bầu cử huyện Châu Thành nhanh chóng phân công thường vụ Huyện ủy phụ trách bầu cử, Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ và MTTQ xuống ngay các xã cơ cấu không đảm bảo tỷ lệ để khắc phục, xử lý kịp thời để không bị động về cơ cấu nhân sự trước khi hiệp thương lần cuối.

Về tình hình xâm nhập mặn, ông Trần Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay hầu hết sông, rạch chính tại các xã, thị trấn trong huyện đều bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt là vấn đề thiếu nước ngọt tại các doanh nghiệp ở 2 Khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long, cũng như nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Qua thống kê sơ bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có 69ha lúa bị ảnh hưởng bởi nước mặn, đứng trước nguy cơ mất trắng; các vườn cây ăn trái ở Phú Đức, Tân Phú, Tiên Thủy, Tiên Long… đã và đang bị rụng lá, vàng lá, cây chậm phát triển. Nước mặn gây tình trạng tiêu chảy trên phần lớn đàn gia súc, gia cầm nên người dân phải xuất bán sớm nhằm giảm mức thiệt hại. Ước tính có trên 70% hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt và khoảng 2.000 hộ dân thiếu phương tiện trữ nước ngọt sinh hoạt.

UBND huyện Châu Thành kiến nghị tỉnh cho chủ trương vận động các địa phương thành lập các tổ, đội dịch vụ đổi nước lên phía thượng nguồn chở nước ngọt về cung cấp cho người dân; sớm xây dựng trả lại cống ngăn mặn đầu kênh chính Hữu Định; cho chủ trương nạo vét kênh Thương Binh (xã Hữu Định) bằng biện pháp thi công bơm hút bùn. Trong thời gian công trình hồ chứa Ba Lai chưa hoàn thiện, đề nghị tỉnh ưu tiên xây dựng hệ thống các cống ngăn xâm nhập mặn từ phía sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo các công trình ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ cho từng khu vực; tuyên truyền nhân dân tự tạo phương tiện trữ ngọt bằng nhiều hình thức nhằm để ứng phó với xâm nhập mặn” - ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Hải Châu đề nghị địa phương thống kê số lượng hộ nghèo đang gặp khó khăn về nước ngọt để qua đó cho họ tiếp xúc nước ngọt từ các sà lan chở nước với giá thấp hơn nước mua từ các xe bồn tại địa phương. Về lâu dài, địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu xây dựng các công trình ngặn mặn, trữ ngọt.

Phương Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN