Kiên quyết xử lý tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài

31/10/2022 - 05:39

BDK - Bến Tre là một trong những tỉnh được đánh giá thực hiện tốt công tác thực thi pháp luật và những quy định trong khai thác thủy hải sản. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác xử lý đối với tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Cảng cá Ba Tri.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Cảng cá Ba Tri.

Xử lý 8 cá nhân vi phạm

Với mục tiêu sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, trong đó có Bến Tre, tỉnh đã và đang tiếp tục giám sát, xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh lập hồ sơ xử lý nghiêm. Trong năm 2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 cá nhân là chủ phương tiện, tổng số tiền 7,15 tỷ đồng. Trong đó, có 2 trường hợp vi phạm năm 2020, 1 trường hợp năm 2021 và 5 trường hợp năm 2022.

Để ngăn chặn tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài, bên cạnh việc đầu tư máy móc, thiết bị cần thiết cho nhiệm vụ chống khai thác IUU tại Chi cục Thủy sản, tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng và trên vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý. Yêu cầu các thuyền trưởng, chủ tàu cá ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Theo dõi, giám sát thường xuyên, gửi danh sách cho BĐBP và chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục để ngăn ngừa vi phạm vùng biển nước ngoài.

Mặc dù công tác xử lý được tăng cường nhưng việc xử phạt còn những hạn chế. Theo đánh giá của tỉnh, công tác xác minh tàu cá nghi vấn khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do ngư dân bị nước ngoài bắt giữ chủ yếu phải chấp hành hình thức phạt tù nên phải mất thời gian dài.   Khi ngư dân được thả về mới làm việc được những người trực tiếp liên quan đến vụ việc. Khi có thông tin về tàu cá nghi vấn khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có công văn đề nghị Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao thông tin về vụ việc nhưng hầu hết không nhận được phản hồi.

Mặt khác, đa số ngư dân là lao động thuê mướn ở tỉnh khác. Trong tổng số 165 ngư dân đi trên tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ từ năm 2020 đến nay chỉ có 31 ngư dân của tỉnh, còn lại 134 ngư dân là lao động thuê mướn từ địa phương khác. Đây cũng là khó khăn của ngành chức năng trong việc xác minh nhân thân, mời làm việc. Chủ tàu vi phạm đều không có tài sản giá trị nên không có khả năng thi hành quyết định xử phạt.

Hiện nay, khung pháp lý và cơ chế chính sách về chống khai thác IUU cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại tỉnh còn một số tồn tại, bất cập. Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Để góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung chống khai thác IUU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đề nghị, các sở, ngành, địa phương tiếp tục mời làm việc các đối tượng chủ phương tiện diện nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, yêu cầu cam kết không vi phạm. Mời làm việc, củng cố hồ sơ các trường hợp vi phạm về vượt ranh giới theo quy định pháp luật, góp phần tăng cường tính răn đe, giảm tình trạng tàu cá hoạt động không duy trì tín hiệu khu vực vùng giáp ranh và vượt ranh giới để khai thác IUU. Tập trung đợt cao điểm tuyên truyền không để xảy ra tình trạng tàu cá bị bắt, kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm.

Các ngành, địa phương phải có giải pháp phòng ngừa tái vi phạm. Đối với tàu có số tiền phạt lớn mà chưa thực hiện được đề nghị địa phương ủng hộ phương án cưỡng chế. BĐBP tỉnh làm thủ tục, rà soát củng cố hồ sơ các trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt hành chính.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đang tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân, chủ phương tiện nắm rõ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện nghề cá xuất nhập cảng, ra vào các cửa sông… theo quy định của pháp luật. Kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác hải sản. Theo dõi việc đóng tiền phạt của các trường hợp mới ra quyết định xử phạt năm 2022. Phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, xác minh, củng cố hồ sơ, tham mưu địa phương tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp vi phạm chưa chấp hành quyết định xử phạt năm 2020 và 2021.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN