Kiến tạo không gian phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong kỷ nguyên mới

20/12/2024 - 05:19

BDK - Năm 2024, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) cả nước đã đạt được nhiều chuyển biến rõ nét về cả nhận thức, hành động và kết quả. Tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm “Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích”.

Giải Việt dã truyền thống Báo Đồng Khởi góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng tỉnh.

Điểm sáng trên các lĩnh vực

Theo đánh giá của Bộ VHTT&DL, toàn ngành đã đạt được sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu.

Hoàn thiện thể chế pháp luật về di sản văn hóa có chuyển biến rõ rệt, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hướng tới chuyển hóa tài sản văn hóa thành nguồn lực phát triển. Nhiều di sản văn hóa được UNESCO ghi danh. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đạt hiệu quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy. Chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hệ thống thư viện công cộng từng bước được hoàn thiện. Các hoạt động truyền thông về phát triển văn hóa đọc, chuyển đổi số và liên thông thư viện được chú trọng.

Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực. Các hoạt động thể thao phong trào, thể thao cho mọi người được phát triển đồng bộ và sâu rộng. Bộ VHTT&DL đã đồng hành, phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo tổ chức các sự kiện lớn của ngành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch, theo tinh thần “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để phát triển văn hóa”. Du lịch tăng trưởng, trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, với 17,2 - 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 840 ngàn tỷ đồng.

Năm 2024 đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện. Công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.

Năm 2024, chỉ số hạnh phúc được nâng lên, xếp thứ 54, tăng 29 bậc so với năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập.

7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2025

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2025, ngành VHTT&DL cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp, với mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Cần đột phá kiến tạo không gian phát triển VHTT&DL trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, toàn ngành VHTT&DL cần tiếp tục bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân và giúp đỡ của bạn bè quốc tế để thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa nước nhà. Phát huy tự chủ, tự lực tự cường. Cần xây dựng con người, nhất là người đứng đầu có đam mê, có trách nhiệm với ngành. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần quốc tế hóa nền văn hóa và hệ giá trị Việt Nam thông qua VHTT&DL. Đồng thời, Việt Nam hóa những tinh hoa của thế giới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của ngành VHTT&DL trong năm 2025.

Thứ nhất, tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, kiên quyết loại bỏ cơ chế “xin - cho”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VHTT&DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.

Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…

Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VHTT&DL.

Bộ VHTT&DL vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành VHTT&DL năm 2025, với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Tham dự và chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của ngành VHTT&DL đối với sự phát triển của đất nước. Thủ tướng một lần nữa khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc và đất nước. Đồng thời, nêu lên những bài học kinh nghiệm quan trọng của ngành.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN