Kinh doanh cây giống, hoa kiểng trực tuyến

05/06/2023 - 05:25

BDK - Những năm gần đây, việc kinh doanh trực tuyến đã trở nên rất phổ biến. Bên cạnh các mặt hàng thông thường thì cây giống, hoa kiểng cũng đã được nhiều nhà vườn đẩy mạnh buôn bán qua mạng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần quảng bá nông sản địa phương. Tuy nhiên, việc kinh doanh cây giống, hoa kiểng trực tuyến hiện nay còn tồn tại nhiều rủi ro và các vấn đề cần sự quan tâm của ngành chức năng.

Chị Nguyễn Ngọc Yến quay video giới thiệu cây cảnh tại cơ sở.

Chị Nguyễn Ngọc Yến quay video giới thiệu cây cảnh tại cơ sở.

Xu hướng phát triển

Chị Nguyễn Ngọc Yến, chủ cơ sở cây giống Vĩnh Phúc, ấp Vĩnh Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách tập tành bán hàng qua mạng xã hội khoảng 7 năm nay. Chị chủ yếu sử dụng kênh Facebook cá nhân để đăng hình ảnh, video ngắn về các loại tùng Đài Loan mà cơ sở đang bán. Không chạy quảng cáo, kênh Facebook khoảng 4 ngàn người theo dõi của chị Ngọc Yến được sử dụng như một kênh bán lẻ, mang lại thu nhập thêm ngoài việc bán hàng trực tiếp cho khách đến vườn. Chị Ngọc Yến cho biết: “Mỗi ngày có từ 5 - 10 đơn thôi nhưng qua Facebook, chúng tôi tiếp cận được một số khách ở miền Bắc, đi được nhiều đơn hàng sỉ ra nhiều tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh thay vì chỉ bán sỉ cho khách ở các tỉnh lân cận đến trực tiếp vườn như trước đây”.

Cùng bán cây cảnh online nhưng anh Bùi Hữu Phát (Cơ sở mai vàng Bùi Hoàng Trọng), xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đã phát triển và khá thành công, với hình thức livestream trực tiếp chào bán cây cảnh trên kênh Youtube và Facebook. Anh Phát livestream cách ngày, mỗi lần phát liên tục từ 18 giờ 30 phút cho đến nửa đêm, thu hút trung bình khoảng 70 lượt khách xem trực tiếp, video phát lại lên đến từ 7 - 10 ngàn lượt xem. Livestream bán hàng mang lại cho anh Phát trung bình khoảng 300 - 500 đơn hàng/tháng. Ngoài ra, thương hiệu mai vàng Bùi Hoàng Trọng, hoa kiểng Hữu Phát mà anh cùng cha mình phát triển nhiều năm nay càng được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến rộng rãi hơn. Anh Phát cho biết: “Thấy người ta chụp hình cây cảnh rồi bán online nên mình cũng làm thử rồi phát triển tới giờ. Mới đầu là chụp hình, quay video đăng Facebook, Youtube rồi hiện nay là phát trực tiếp trên Facebook, Youtube”.

 Anh Phát đang gầy dựng thêm kênh Tiktok mới để bán mai vàng và tìm hiểu thêm nhiều cách quay, dựng video mới phù hợp xu hướng để thu hút khách xem kênh của mình. Mỗi lần livestream, anh Phát chuẩn bị kỹ càng, trang bị đủ các thiết bị, ngoài điện thoại còn có đèn chiếu, gimbal cầm tay, bàn xoay chậu cây và thêm một người phụ chốt đơn hàng.

Anh Bùi Hữu Phát, chị Nguyễn Ngọc Yến là đơn cử trong số rất nhiều câu chuyện về thị trường bán cây cảnh online hiện nay. Rất nhiều nhà vườn cũng như cơ sở cây giống, hoa kiểng ở Chợ Lách đã tiếp cận và sử dụng công nghệ số cho kinh doanh loại nông sản đặc thù này. Nhiều cơ sở đã phát triển kênh Youtube và hoạt động một cách chuyên nghiệp để kinh doanh cây giống, hoa kiểng với lượt người theo dõi đến hàng chục ngàn.

Các rủi ro gặp phải

Bên cạnh những lợi ích kinh doanh trực tuyến mang lại thì nhà vườn đối mặt với nhiều rủi ro. Trước hết, tình trạng “boom hàng” (khách hủy đơn hàng sau khi giao). Chị Nguyễn Ngọc Yến kể: “Cây cảnh mình đã đóng gói gửi đi đến Vĩnh Phúc rồi, lúc shipper giao hàng thì không phát được vì khách trả lời là không có đặt hàng hoặc là con cái nghịch phá, không mua, thậm chí khách không nghe máy. Khi đó cây mình phải tốn phí vận chuyển trở về, thậm chí chấp nhận hư hao”.

Anh Hữu Phát livestream giới thiệu sản phẩm mai vàng tại hộ sản xuất.

Anh Hữu Phát livestream giới thiệu sản phẩm mai vàng tại hộ sản xuất.

Anh Bùi Hữu Phát chia sẻ, dù số lượng khách chốt đơn online nhiều nhưng anh cũng đã quen với tình trạng khách bỏ hàng, hoàn trả cây trở về. Chỉ vào cây mai vẫn còn nguyên đóng gói, anh kể: “Có lúc tôi bị khách “boom hàng” tới 20 - 30 triệu đồng/tháng. Như cây mai này bán cho khách 850 ngàn đồng, khi giao hàng tới thì khách không nhận, trả về, mình phải mất phí gửi hơn 200 ngàn đồng. Với loại giao dịch này, khách không chịu thanh toán trước. Mình không tin người ta thì người ta cũng không tin mình”.

Qua nhiều lần “nếm mùi” bị khách ảo hủy đơn hàng, chị Ngọc Yến chia sẻ: “Rút kinh nghiệm là khi mình nhận đơn thì phải xác nhận kỹ với khách, chụp hình ảnh rõ ràng trước khi giao hàng. Với các đơn hàng lớn đặt qua Zalo, Facebook thì mình phải tìm hiểu xem khách có liên quan gì đến cây cảnh, cây giống không. Nếu thấy đảm bảo an toàn thì mình mới giao những đơn hàng có giá trị lớn hoặc lấy tiền đặt cọc để bù lại rủi ro”.

Bên cạnh đó, khâu đóng gói cây cảnh, vận chuyển xa cũng còn nhiều hạn chế mà người bán luôn tìm cách khắc phục. “Hàng giao 5 cây, nếu mở ra hư 1 cây thì mình chỉ tính tiền 4 cây. Có những khi bị hư, gãy hết cây thì mình coi như hủy, mất hàng”, chị Ngọc Yến nói. Quá trình vận chuyển cùng với các mặt hàng khác, va đập là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, nhiều đơn vị giao hàng hoặc sàn thương mại điện tử hiện nay đã từ chối việc giao các mặt hàng cây cảnh vì rủi ro cao. Đóng gói khó, chi phí đóng gói và vận chuyển cao cũng làm tăng chi phí chung trong giao dịch cây cảnh trực tuyến. Một số nhà vườn chỉ nhận gửi các đơn hàng lẻ từ 2 cây hoặc có giá trị cao trở lên vì đôi khi chi phí đóng gói, vận chuyển cũng đã gần bằng với giá trị của 1 cây bán lẻ.

Ngoài ra, mặt trái của bán hàng qua mạng đang được nhiều nông dân hiện đại quan tâm chính là việc bảo vệ uy tín, thương hiệu sản phẩm. Anh Trần Văn Hoàng Việt - Tổ trưởng Tổ 2, Chi hội Nghề nghiệp mai vàng ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách phản ánh tình trạng một số người đăng hình ảnh và bán sản phẩm mai vàng giá rẻ và kém chất lượng. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm mai vàng Phú Hội. Vì vậy, thời gian gần đây, anh Việt mày mò học cách quay phim, chụp ảnh sản phẩm đăng lên mạng xã hội để hướng dẫn khách chăm sóc mai và lựa chọn cây có chất lượng.

Anh Trần Văn Hoàng Việt chia sẻ: “Bà con gần xa khi mua cây giống, hoa kiểng cần tìm nơi bán có uy tín, không ham rẻ mà tiền mất tật mang. Tôi cũng mong người bán hàng bán đúng chất lượng để bảo vệ uy tín của mình và sản phẩm của địa phương”.

Sàn thương mại điện tử cây giống, hoa kiểng

Trong bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp, việc định hướng, phát triển kinh doanh trực tuyến cho nông dân là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản của người dân. Trên lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân. Lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

Các định hướng chính của kế hoạch này, gồm: hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số. Hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch. Hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận. Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như: quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, sàn TMĐT cũng sẽ giúp hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân.

Đối với Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 8 ngàn hộ sản xuất, kinh doanh cây giống và gần 8 ngàn hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng. Hàng năm, tỉnh cung ứng cho thị trường từ 15 - 18 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, tập trung tại huyện Chợ Lách. Thị trường cây giống, hoa kiểng luôn sôi động, với nhiều hình thức. Mặt hàng cây giống cũng đã được đưa vào danh mục bán hàng của website Đặc Sản Bến Tre www.bentretrade.vn của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, do Sở Công Thương quản lý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kinh doanh trực tuyến cây giống, hoa kiểng hiện nay chủ yếu vẫn là tự phát từ phía người dân, chưa có một hệ thống quản lý, điều phối, vận hành tập trung, chuyên biệt.

Quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Võ Nhất Duy cho biết: Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương giao Trung tâm Giống và hoa kiểng tỉnh Bến Tre xây dựng trang thông tin điện tử chuyên về cây giống và hoa kiểng để tăng cường quảng bá sản phẩm trên không gian mạng. Sắp tới, sở sẽ phối hợp với các nhà đầu tư về công nghệ để nâng cấp hệ thống này thành sàn TMĐT chuyên lĩnh vực cây giống và hoa kiểng. Đây được xem là một phần của Đề án xây dựng huyện Chợ Lách thành Trung tâm Cây giống, hoa kiểng quy mô quốc gia.

Kinh doanh trực tuyến được xem là kênh bán hàng với nguồn khách hàng không giới hạn khi sản phẩm trên kênh có thể tiếp cận tới hàng trăm, hàng ngàn khách hàng khắp nơi, giúp cho cơ sở kinh doanh phát triển mạng lưới khách hàng nhanh chóng. Đồng thời cũng là giải pháp để người mua tiếp cận với sản phẩm của người bán một cách trực tiếp, đơn giản hơn, tạo nên thị trường trao đổi hàng hóa vô cùng sôi động.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích