Vụ lúa Đông Xuân trúng mùa được giá. Ảnh: Diệu Hiền
Phát triển nhiều lĩnh vực
Thông tin từ UBND huyện, trong những tháng đầu năm 2022, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường những sản phẩm có giá trị, chất lượng cao, ứng dụng nhiều phương pháp sản xuất tiên tiến. Vụ lúa Đông Xuân năm 2021-2022 thu hoạch 86ha, trúng mùa được giá. Cây dừa hơn 18,8 ngàn ha (tăng hơn 1 ngàn ha so với cùng kỳ), đạt 97,91% kế hoạch, trong đó diện tích cho trái 17,6 ngàn ha, sản lượng ước đạt 51 triệu trái. Cây ăn trái 5,2 ngàn ha (bằng so với cùng kỳ).
Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 1,2 triệu con. Diện tích nuôi trồng thủy sản 525/1.248ha (đạt hơn 42% kế hoạch). Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục hồi và ổn định trở lại, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Trên địa bàn huyện hiện có 1.610 cơ sở và 70 doanh nghiệp (hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp), giải quyết việc làm cho hơn 6 ngàn lao động. Các ngành nghề chủ yếu là may mặc, đóng tàu, sản xuất các sản phẩm từ dừa... Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm hiện có 3 doanh nghiệp duy trì hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1 ngàn lao động tại các địa phương trong huyện; 4 doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục đầu tư. Trong quý I-2022, huyện thành lập mới 6 doanh nghiệp, tạm ngưng hoạt động 4 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang hoạt động là 294.
Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Ảnh: A. nguyệt
Nhiệm vụ trọng tâm quý II-2022
Theo chỉ đạo của UBND huyện, trong quý II-2022, các ngành, các cơ sở tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh triển khai xây dựng mô hình thí điểm sản xuất dừa hữu cơ tập trung tại xã Châu Bình và Phước Long, với quy mô 600ha.
Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022. Chủ động phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để ổn định sản xuất. Đặc biệt, huyện tập trung phòng trừ sâu bệnh trên dừa, cây ăn trái; theo dõi giám sát chặt chẽ dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và các dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Triển khai Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM; chỉ đạo, đôn đốc các xã đăng ký về đích NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022. Trong đó, chú trọng vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của chương trình. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn.
Ngành chức năng tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công, các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
“Huyện phấn đấu đến cuối năm 2022 mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm, với diện tích 10ha của phần mở rộng giai đoạn 2 (diện tích 34,08ha). Giá trị sản xuất ngành chế biến dừa tăng 14%, chiếm tỷ trọng 40% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 20%, đạt khoảng 800 tỷ đồng, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu toàn huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng bình quân 7%, chiếm tỷ trọng 9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện. Phát triển mới 15 doanh nghiệp ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2 doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất chế biến dừa”.
(Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Đinh Thị Thanh Nhanh)
|
Diệu Hiền - Huỳnh Lâm