Kinh tế phục hồi với nhiều tín hiệu khởi sắc

27/05/2022 - 05:58

BDK - Trong điều kiện còn khó khăn chung do tác động của dịch Covid-19, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầ̀u năm 2022 của tỉnh từng bước phục hồi và đạt được một số kết quả ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 0,53% và đứng thứ 7 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế phục hồi với nhiều tín hiệu khởi sắ́c, ước tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ 2, phải sang) tham quan trại nuôi tôm giống tại Tập đoàn Việt Úc, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ 2, phải sang) tham quan trại nuôi tôm giống tại Tập đoàn Việt Úc, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.

Ổn định sản xuất

Các công trình, dự án trọng điểm được tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, có phát triển 2 ngàn ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Nhà máy Điện gió V1-3 Bến Tre khánh thành và một số dự án điện gió khác hoàn thành… đã hiện thực hóa chủ trương phát triển năng lượng sạch và kinh tế hướng Đông của tỉnh. Trên 97,9% DN đã ổn định sản xuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 7,73% so với cùng kỳ.

 Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ đưa sản phẩm của DN, các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lên các sàn thương mại điện tử (sendo.vn, voso.vn, bentretrade.vn...). Triển khai xây dựng mô hình chợ 4.0 với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Sản xuất nông nghiệp có sự phục hồi và tăng trưởng, từng bước chuyển đổ̉i theo quy chuẩn sạch, an toàn. Đến nay, có 17,9 ngàn ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ; 5/8 sản phẩm chủ lực của tỉnh được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực địa phương, đã cấp 45 mã vùng trồng với diện tích 614,3ha cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh; 21 mã cơ sở đóng gói.

Tỉnh tiến hành xây dựng vùng sản xuất tập trung đối với dừa, heo, tôm biển và hoa kiểng. Đặc biệt, tỉnh định hướng xây dựng Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia.

Hoạt động du lịch dần được phục hồi. Lượng khách và doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, lượng khách tăng 18%, doanh thu du lịch tăng 25%. Công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 40 - 50%.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 10,35% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, đến cuối năm 2021 đã xuất khẩu sang gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tỉnh đã phối hợp khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 và Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2, để đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị các thủ tục có liên quan để triển khai tuyến đường ven biển kết nối Bến Tre với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 8,5 - 9,5%

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước (top 30).

Tỉnh đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8,5 - 9,5%. GRDP bình quân đầ̀u người 87 triệu/năm. Thu ngân sách đạt 35 - 40 ngàn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 130 - 140 ngàn tỷ đồng. Tỉnh cân đối được 70% chi thường xuyên. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12 - 13% và tỉnh đảm bảo tự cân đối thu - chi ngân sách.

Cũng theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, định hướng mở không gian phát triển về hướng Đông, năm 2022, tỉnh sẽ hoàn thành Quy hoạch toàn diện khu vực 3 huyện biển trong tổng thể Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành Dự án cấp nước sạch cho dân cư khu vực cù lao Minh; hoàn thành giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận để thu hút nhà đầu tư.

Triển khai đầu tư giai đoạn 1 tuyến đường ven biển kết nối Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh; đầ̀u tư kết nối giao thông thông suốt từ TP. Bến Tre đến khu vực biển qua tuyến quốc lộ 57, 57B, 57C.

Thu hút đầu tư các khu đô thị ven biển, lấn biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu. Hỗ trợ, đôn đố́c triển khai đầ̀u tư các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), dự án năng lượng khí (LNG) và hệ thống truyền tải. Xây dựng hoàn thành và triển khai Đề án thành lập Đại học Bến Tre là thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; đầu tư chiến lược Trường Cao đẳng Bến Tre đa ngành.

Phát triển mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản, với hơn 4 ngàn ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch 3 huyện ven biển; liên kết hình thành các tuyến du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

“Để hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 DN trong năm 2021 - 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn”; đồng thời, ký kết bản ghi nhớ với các công ty công nghệ, hiện đang tập trung triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm trang bị kiến thức và đi sâu vào công tác  hỗ trợ, đến nay có hơn 400 DN đăng ký tham gia”.

(Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN