Kỷ niệm 20 năm Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”

14/06/2023 - 05:14

BDK - Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” giai đoạn 2003 - 2023, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Khởi. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở xã An Đức, huyện Ba Tri. Ảnh: Hữu Hiệp

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở xã An Đức, huyện Ba Tri. Ảnh: Hữu Hiệp

* Phóng viên: Xin bà cho biết về tình hình các dân tộc trong tỉnh hiện nay?

- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung: Toàn tỉnh hiện có 23 dân tộc cùng sinh sống (có 8.875 nhân khẩu), bao gồm người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Nùng, H’Mông, X’tiêng, Chơro, Bana và một số dân tộc khác, trong đó dân tộc Kinh là 1.615.125 người (tỷ lệ 99,45%), người Hoa là 7.490 người (tỷ lệ 0,46%), còn lại 1.385 người là các dân tộc khác (tỷ lệ 0,09%). Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đều hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần.

Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 9 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ ân hiếu nghĩa, Bửu Sơn Kỳ hương và Minh sư đạo. Ngoài ra, có 1 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành (Trường Trung cấp Phật học) và 2 trụ sở Trung ương Đạo là Hội thánh Cao đài Ban chỉnh Đạo và Hội Thánh Cao đài Tiên Thiên. Tình hình đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo nói chung và từng tôn giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, không xảy ra xung đột giữa các tôn giáo. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo từng bước đi vào nền nếp, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài chăm lo việc đạo, các nhà tu hành, chức sắc, chức việc tôn giáo đã vận động tín đồ hưởng ứng, tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và phong trào hành động cách mạng tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh.

* Việc tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thời gian qua ở tỉnh như thế nào?

- Hàng năm, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu Thường trực Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức tốt Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày hội. Chỉ đạo và tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia tốt ngày hội. Bên cạnh đó, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn cơ sở tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam gắn với sơ kết các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì và bàn giải pháp thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động. Ngày hội được tổ chức đảm bảo thiết thực, hiệu quả, lựa chọn thời gian thích hợp để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia đông đảo, thật sự trở thành ngày sinh hoạt chính trị rộng lớn của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư; đồng thời, tiếp tục vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo tại địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện, bố trí kinh phí để các khu dân cư tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” đạt kết quả tốt; tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia việc bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” bảo đảm chất lượng. Nhìn chung, Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tổ chức ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11) hàng năm được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tổ chức ngày càng đi vào nền nếp.

* Những kết quả đạt được qua 20 năm tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”?

- Qua 20 năm tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, các khu dân cư đều tổ chức ngày hội trang trọng, số khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội ngày càng tăng lên, từ 835 khu dân cư lên 968 khu dân cư cuối năm 2022. Nét đặc trưng riêng trong tổ chức phần hội là gắn với sự kiện Lễ hội Dừa, kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã tổ chức các hoạt động “Cộng đồng vui hội làng dừa”, “Ngày hội văn hóa xứ Dừa” thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian đậm nét truyền thống văn hóa của tỉnh như: đan, thắt các con vật bằng lá dừa, bó đuốc lá dừa, nạo dừa, đan liếp dừa, đi trên gáo dừa, thi ẩm thực từ dừa...; các hoạt động giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử, thi “Nói thơ Vân Tiên”, hò, vè, cờ tướng, các trò chơi dân gian, thi ẩm thực, chưng mâm ngũ quả, mâm xôi ngày hội, thi cắm hoa, làm cổng dừa… từ đó vận dụng tổ chức hàng năm trong Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” được người dân đánh giá cao và tích cực hưởng ứng.

Trong 20 năm qua, có trên 95% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” trong ngày hội. Kinh phí tổ chức ngày hội được chi một phần từ kinh phí hoạt động của khu dân cư, phần còn lại vận động xã hội hóa. Trong ngày hội, Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố phát động Tháng cao điểm vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, thực hiện các công trình, phần việc chào mừng Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng. Trong đó, tặng 205.412 phần quà trị giá hơn 55 tỷ đồng cho cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ, gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao 3.581 phần quà, học bổng, học phẩm trị giá hơn 1 tỷ đồng cho các em học sinh nghèo hiếu học; bàn giao 1.242 căn nhà “Đại đoàn kết” với tổng trị giá hơn 50 tỷ đồng; khởi công xây dựng, bàn giao 731 cây cầu và làm mới, nâng cấp và sửa chữa 280 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng trị giá hơn 118 tỷ đồng; hỗ trợ 18.346 hộ nghèo thực hiện sinh kế thoát nghèo bền vững.

 Nổi bật như có 362.348 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 96,7%), có 296.858 hộ được công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa 3 năm liền (2019 - 2021), 943 ấp, khu phố văn hóa (đạt 97,42%), có 64 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới, 893.555 người đạt tiêu chí Người tốt, việc tốt (đạt 94,5%), 932.497 người đạt danh hiệu Người lớn gương mẫu (đạt 97,34%), 216.742 người đạt danh hiệu Trẻ em chăm ngoan (đạt 96,41%); số lượng người dân tự nguyện tham gia hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động quy ra tiền trên 7.230,4 tỷ đồng.

Nhân dịp ngày hội, MTTQ Việt Nam các cấp và UBND xã, phường, thị trấn đã biểu dương, khen thưởng 54.220 tập thể và 126.412 cá nhân xuất sắc trong thực hiện các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì với tổng kinh phí trao thưởng trên 21 tỷ đồng. Đồng thời, tuyên dương gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo.

* Xin cảm ơn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh!

“Trong thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ chủ động, tích cực tham mưu tốt cho cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên của Mặt trận; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư. Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau ngày hội. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội cho phù hợp với tình hình thực tế của khu dân cư; giữ gìn và phát huy tốt văn hóa dừa, nét đặc trưng của tỉnh. Thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng các nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Huy động tốt mọi nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội”.

(Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung)

 Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN