Kỷ niệm về nhà báo “ẩn danh kỳ lạ”

09/11/2021 - 11:21

BDK - Tôi là người thuộc thế hệ sau. Chú Năm Thông (Huỳnh Năm Thông) tham gia cách mạng từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, hồi còn là một thiếu niên độ 13 - 14 tuổi. Rồi chú thoát ly gia đình theo kháng chiến luôn từ đó. Đến năm 1970, tôi mới được gặp và biết chú. Mới quen biết, nhưng tôi rất ngưỡng mộ bởi sự thông thái về kiến thức, dạn dày về vốn sống thực tế và quý mến bởi sự bình dị, thân thiện trong lối sống, giao tiếp của chú.

Nhà báo Huỳnh Năm Thông (thứ 3, phải sang) hội ngộ các đồng chí cán bộ, phóng viên thời kháng chiến chống Mỹ (chụp năm 2006). Ảnh: Phương Đông

Nhà báo Huỳnh Năm Thông (thứ 3, phải sang) hội ngộ các đồng chí cán bộ, phóng viên thời kháng chiến chống Mỹ (chụp năm 2006). Ảnh: Phương Đông

Sẵn sàng gánh hết trách nhiệm

Sau cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, dù bị thất bại nặng nề nhưng tiềm lực chiến tranh của Mỹ còn rất mạnh, khả năng cơ động và hợp đồng tác chiến nhanh, địch bình định cấp tốc, lấn chiếm gần hết vùng giải phóng. Cuối năm 1970, Tỉnh ủy và các cơ quan trực thuộc phải tạm thời dời về huyện Thạnh Phú. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cùng các bộ phận trực thuộc xây dựng căn cứ ở rừng chồi ngập mặn Bãi Đầm, cặp theo hữu ngạn ven vàm sông Hàm Luông, thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Phía bên kia sông, về đêm là một vầng sáng từ ánh đèn điện của chợ Tiệm Tôm, xã An Thủy, huyện Ba Tri. Tôi thường đến Tiểu ban Báo chí, do quen thân với các anh em phóng viên và biết chú Năm Thông từ đó. Ở rừng, để có thức ăn hàng ngày, anh em phải chia ra một số người làm việc, một số ra bãi bồi ven sông bắt cá, giăng câu hoặc vào sâu trong rừng bắt cua, bắt vọp, bẫy chim, thú rừng… Không may trong một lần anh em đang bắt cá ngoài bãi sông, bất ngờ có 1 chiếc trực thăng “bù nóc” (UH6) và 2 chiếc “cá lẹp” (UH-I Copra) từ hướng thị xã Bến Tre bay xuống. Chú Năm Thông cùng anh em ở gần bìa rừng đã chạy vào ẩn tránh kịp. Chỉ còn Việt Sơn ở xa ngoài bãi, đang chạy vào, thì bọn chúng phát hiện. Chiếc bù nóc hạ nhanh xuống thấp gần sát mặt đất, bắn xối xả. Việt Sơn té xuống bãi bùn rồi nằm im, lúc này nước lớn bắt đầu tràn vào bãi, xóa mọi dấu chân. Chiếc bù nóc dừng hẳn trên chỗ Việt Sơn đang nằm, quan sát, rồi nhả một loạt đạn đại liên vào người anh, nước và bùn đất bắn lên tung tóe. Chúng quần đảo thêm mấy vòng nữa rồi mới bay đi. Mọi người đang ẩn nấp trong rừng đều chắc chắn rằng Việt Sơn đã trúng đạn. Không ngờ chỉ một vài phút sau, anh đã cọ quậy rồi đứng dậy, mình mẩy đầy bùn sình lảo đảo đi vào. Chú Năm Thông cùng mọi người vui mừng quá, reo lên ầm ĩ, chạy đến vuốt ve, nắn nót cho sạch bùn đất quanh mình anh, tìm xem có bị trúng đạn chỗ nào không. Thật vô cùng may mắn, Việt Sơn vẫn nguyên vẹn.

Ngay tối hôm đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cho gọi ngay đồng chí Mười Sinh là Phó trưởng ban Tuyên huấn đến phê bình gay gắt và chỉ đạo phải kiểm điểm kỷ luật Việt Sơn vì đã làm lộ căn cứ. Chú Năm Thông đã đứng ra chịu hết trách nhiệm sai phạm và nghiêm túc xin nhận kỷ luật. Chú cho rằng, sai phạm này thuộc về mình, vì đã mất cảnh giác, không cảnh báo và quản lý anh em trong cơ quan nghiêm ngặt. Qua vụ việc này, nếu như trước đây tôi đã ngưỡng mộ và quý mến, nay lại thêm sự kính trọng nhân cách của một người lãnh đạo đã dũng cảm, không đùn đẩy, né tránh mà dám nhận và sẵn sàng gánh trách nhiệm về mình.

Viết báo xuân trong hầm

“Nhớ lúc trong rừng, lúc ở dân/ Hứng bom, đội pháo biết bao lần/ Lúc đi chiến dịch cùng ra trận/ Lúc ở trong hầm viết báo xuân”. (1)

“Lúc ở trong hầm viết báo xuân”, đó là tờ báo Xuân Chiến Thắng năm 1972. Khi ấy, tòa soạn báo đang ở vùng giải phóng lõm, thuộc xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) báo phải gấp rút hoàn thành để chuyển đi in. Ban ngày phải đối phó với những trận càn quét liên miên, ban đêm pháo 105 của địch từ Mỏ Cày bắn xuống, Hương Mỹ bắn lên liên tục, không lúc nào được ngồi yên để viết. Tôi còn nhớ chú Năm Thông cùng nhà thơ Lê Hà, từ tối đã đốt 2 cái đèn cóc leo lét, ôm xấp tài liệu, chui vào hầm bác Chín Khìn, ở ấp An Ninh, xã Bình Khánh. Chú Năm Thông duyệt lại toàn bộ nội dung số báo. Nhà thơ Lê Hà viết tiếp bài thơ “Mười hai mùa xuân” cũng cho số báo này còn dang dở. Thức trắng đêm, trong tiếng gầm rít của đạn pháo, bên trong cái hầm ngột ngạt, dưới ánh đèn dầu. Đến sáng, từ trong hầm chui ra, hai người cười rạng rỡ vì đã hoàn thành công việc. Chúng tôi đã phải một phen cười lộn ruột. Nhìn 2 người, chỉ thấy hai hàm răng trắng, còn mặt mũi ám khói đèn đen thui như hai ông Táo. Nếu như trước đây tôi đã ngưỡng mộ, quý mến, kính trọng thì qua vụ việc này tôi càng thêm khâm phục tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự tập trung, tài năng và hiệu suất làm việc của chú Năm Thông.

30 năm làm Tổng biên tập

Cũng trong năm 1972, chú Năm Thông được điều động lên làm Tổng biên tập Báo Giải Phóng khu Trung Nam Bộ. Sau ngày miền Nam giải phóng, khu giải thể, chú Năm Thông về lại Bến Tre tiếp tục làm Tổng biên tập Báo Chiến Thắng. Rồi hơn một năm sau (ngày 11-11-1976), Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi.

Trải qua 34 năm làm báo (Báo Chiến Thắng 10 năm, Báo Giải Phóng khu Trung Nam Bộ 4 năm, Báo Đồng Khởi 20 năm), chú Năm Thông viết nhiều thể loại, bản thân chú không nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài. Thời gian đã tôi rèn nên một phong cách viết của Huỳnh Năm Thông: giản dị, không văn hoa, bóng bẩy mà vẫn dạt dào cảm xúc và hình ảnh vô cùng chân thật, sống động, đầy thuyết phục, dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, các bài bút ký chính luận rất tài hoa, hừng hực khí thế chiến đấu, tinh thần lạc quan cách mạng, nhưng cũng mang đậm chất trữ tình.

Sau này khi đã nghỉ hưu, chú Năm Thông và chú Tư Chí Nhân (nhà báo Lê Chí Nhân) đã đề xuất và làm chủ biên, soạn thảo quyển “Lịch sử Báo chí cách mạng tỉnh Bến Tre”. Tôi may mắn được phân công cùng một số anh em tham gia biên tập. Được đọc lại tài liệu biên soạn của chú, đúng là một kho tư liệu “đồ sộ” mà chú đã viết lại. Thông qua lịch sử báo chí, những sự kiện và nhân vật, trải dài trong hai cuộc kháng chiến ở Bến Tre, những con người thật, việc thật như được tái hiện, vô cùng phong phú, sống động. Tôi lại càng khâm phục phương pháp khoa học, logic trong hệ thống lịch sử, tích lũy tư liệu tỉ mỉ, công phu và trí nhớ tuyệt vời, hiếm có của chú.

Đúng như chú Tư Chí Nhân - nhà báo cách mạng lão thành cùng thời đã nhận định về con người chú Năm Thông: “Ông Huỳnh Năm Thông, nhà báo lão thành ẩn danh kỳ lạ, âm thầm, miệt mài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tổng biên tập 34 năm trời”. Có lẽ chú Tư Chí Nhân viết là nhà báo “ẩn danh kỳ lạ” (2), bởi chú Năm Thông đã viết vô số bài báo chính luận, thông tin tổng hợp, nhưng không thấy bài nào mang tên Huỳnh Năm Thông, Huỳnh Công Hải hay bút danh Trường Minh, chỉ có sau này mới có một vài bài ký mang tên Diệp Hà.

Chú Năm Thông vĩnh viễn đi xa, tính đến nay đã hơn 10 năm rồi. Kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi, chúng ta bồi hồi nhớ lại người Tổng biên tập có công lớn trong lập ra và làm Tổng biên tập lâu nhất - 30 năm trời của tờ báo Đảng Bến Tre, từ Chiến Thắng rồi đến Đồng Khởi. Chú Năm Thông không còn nữa, nhưng phong cách, lối sống và những tác phẩm báo chí của chú sẽ còn sống mãi với thời gian. Riêng tôi, dù không được làm việc chung, quen biết với chú thời gian không nhiều, nhưng những bài học từ chú, kỷ niệm về chú sẽ còn nhớ mãi.

Vũ Hồng Thanh

(1)  Lời thơ trong bài “Vần thơ tiễn bạn” của Xuân Sinh (Báo Đồng Khởi số ra ngày 25-5-2008)

(2) Trích dẫn trong bài viết “Nhà báo Huỳnh Năm Thông” - Tr. 337 - Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre 1930 - 2010. Lưu hành nội bộ - xuất bản năm 2014.

 

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN