Kỹ thuật trồng nấm bào ngư

14/08/2012 - 15:54
Nấm bào ngư ở Trung tâm ƯDTBKH-CN.

Nấm bào ngư còn có nhiều tên: nấm sò, nấm dai, nấm tai lệch, nấm hương chân ngắn… Nấm bào ngư có tên khoa học là Pleurotus. Hiện nay, nấm bào ngư được nhiều hộ quan tâm vì đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (ƯDTBKH-CN) tỉnh Bến Tre, nấm bào ngư có dạng hình phễu, mọc thành cụm, mỗi tai nấm có ba phần: mũ, phiến và cuống. Khi trưởng thành, nấm bào ngư sẽ phát tán bào tử nhờ gió. Từ đó, bào tử gặp điều kiện môi trường thích hợp (thân gỗ mục) sẽ nảy mầm thành hệ sợi sơ cấp với một nhân. Các sợi cấp phát triển đầy đủ tạo nên hệ sợi thứ cấp, sau đó có sự kết hợp của hệ sợi nấm thứ cấp hình thành quả thể nấm hoàn chỉnh. “Nguyên liệu có chứa cellulose đều có thể dùng để trồng nấm bào ngư như: rơm rạ, mùn cưa, bã mía, vỏ hạt café, lõi trái ngô (cùi bắp), bột cỏ nghiền, bông phế thải… Nhưng phổ biến nhất là trồng nấm bào ngư trên mạc cưa, rơm rạ… vì dễ xử lý, hiệu quả cao” - Cử nhân công nghệ sinh học Nguyễn Xuân Lãm (Trung tâm ƯDTBKH-CN tỉnh) cho biết.

Cũng theo cử nhân CNSH Nguyễn Xuân Lãm, nguyên liệu thường được xử lý theo phương pháp ủ. Một khối rơm rạ muốn ủ phải có trọng lượng khoảng 300kg mới đủ điều kiện tăng nhiệt độ lên từ 60-70oC. Khối rơm rạ phải để trên sàn cách mặt đất khoảng 10cm. Ủ từ 6-8 ngày mới bảo đảm độ ẩm. Độ ẩm đạt 60-55% (vắt khi có nước ướt vân tay là được). Nếu quá ẩm, quá khô thì chỉnh lại bằng cách phơi hoặc bổ sung thêm nước, ủ thêm 1-2 ngày là đạt yêu cầu. Rơm rạ cứng ủ 8 ngày, rơm rạ mềm ủ 6 ngày. Sau đó băm rơm rạ thành từng đoạn 7-10cm, ủ lại 1-2 ngày, đảo đều để đóng túi, cấy giống (gọi là bịch phôi). Đối với bông phế thải, ngâm bông trong nước vôi (4kg vôi trong 1m3 nước), vớt bông ủ đống, có kệ đáy cách mặt đất, thực hiện ủ 3-4 ngày dùng tay hoặc máy xé tơi bông rồi ủ lại 3-4 ngày nữa, sau đó đảo đều trước khi cấy giống. Sau khi xử lý nguyên liệu xong, chuẩn bị túi nylon để đóng bịch, cấy giống. Tỷ lệ giống (gọi là meo nấm) khoảng 50-60gr/túi nguyên liệu (tương đương 40-45kg giống /1 tấn nguyên liệu). Khu vực cấy giống nấm cần sạch sẽ, kín gió. Nếu có điều kiện thì chuẩn bị một phòng riêng để cấy nấm, nhằm hạn chế các bào tử nấm dại trong không khí rơi vào túi nấm gây nhiễm bệnh. Khi bịch phôi đã phát triển tốt sau 25-30 ngày (kể từ lúc cấy giống): tơ nấm mọc kín bịch, dùng dao nhọn, bén, rạch từ 4-6 đường xung quanh bịch phôi, chiều dài vết rạch 3-4cm, sâu 2-3m, các vết rạch phải so le nhau. Gỡ bỏ nút bông ở đầu bịch phôi và dùng tay ép nhẹ vào bịch phôi. Chuyển bịch phôi sang nhà chăm sóc để đón nấm và thu hoạch. Có thể để bịch phôi nằm ngang trên kệ hoặc treo dây để bịch phôi nằm ngang, khoảng cách giữa các dây treo từ 10-15cm để nấm phát triển không chạm vào nhau. “Trong thời gian chăm sóc, khi nấm mọc rất cần nước. Nếu thiếu nước nấm mọc cằn cỗi, nhẹ cân và ăn rất dai. Nhưng nếu tưới quá dư nước thì nấm bị thối rữa hoặc có màu vàng úng. Trung bình một ngày tưới nước từ 3-5 lần. Sau khi hái hết một đợt nấm, ngưng tưới, khoảng 5-7 ngày sau nấm ra đợt tiếp theo và tiếp tục tưới nước cho nấm phát triển” - ông Lãm cho biết kỹ thuật chăm sóc.

Ông Mai Thanh Nhân - người có nhiều năm kinh nghiệm trồng nấm bào ngư ở xã Tam Phước (Châu Thành) chia sẻ kinh nghiệm: Hái nấm đúng tuổi sẽ đạt năng suất và chất lượng cao. Nấm phải đạt tiêu chuẩn: dày, chắc, mập, non, vành nấm co vào trong. Nếu thấy nấm có khói trắng là nấm đã già. Thời gian hái nấm từ 40-45 ngày kể từ ngày hái đầu tiên.

“Sau bốn tháng trồng và thu hoạch, cứ một bịch phôi từ 1,2-1,3kg cho ra 300 - 400gr nấm. “Trồng 2.000 bịch phôi,  mỗi tháng thu về hơn 2 triệu đồng. Theo Đông y, nấm bào ngư có tác dụng trị máu nhiễm mỡ và tiểu đường”.

(Ông Huỳnh Cao Thọ - Quyền Giám đốc Trung tâm ƯDTBKH-CN tỉnh).

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN