Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo công bố ngày 31-10 của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), mức tăng trưởng giá tiêu dùng của 19 nước sử dụng đồng euro trong tháng 10 đã lên tới 10,7%, tăng so với mức tăng 9,9% của tháng trước đó và vượt mức dự báo 10,2% được đưa ra trước đó. Trong đó, Đức, Italy và Pháp là 3 nước có mức lạm phát cao nhất.
Bên cạnh yếu tố chính thúc đẩy lạm phát "leo thang" là giá năng lượng tăng cao, giá thực phẩm và hàng hóa công nghiệp nhập khẩu cũng tác động phần nào về mặt bằng chung chi phí sinh hoạt.
Trong 3 tháng qua, ECB đã điều chỉnh lãi suất tăng tổng cộng 200 điểm cơ bản và nhiều khả năng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất vào tháng 12 tới để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, trên thực tế, các thị trường đã bắt đầu dự đoán về khả năng ECB giảm tốc tăng lãi suất khi suy thoái bùng phát và giá khí đốt đã bắt đầu giảm từ mức cao kỷ lục. Ông Klaas Knot, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan cho rằng vẫn cần siết chặt tiền tệ và nhiều khả năng trong tháng 12 tới, ECB sẽ cân nhắc thực hiện tăng lãi suất trong khoảng 50 đến 70 điểm cơ bản.
Ngày 27-10, ECB quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này. Cụ thể, ECB tăng lãi suất tiền gửi lên 1,5% và lãi suất tái cấp vốn lên 2%. Nhưng mức lãi suất này vẫn thấp hơn 3,2% mà thị trường định giá chỉ trong vài tuần trước.
Hiện các nhà kinh tế kỳ vọng khu vực này sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trong quý I-2023 và cuộc suy thoái như vậy có khả năng làm giảm phát tự nhiên, qua đó giảm tải áp lực cho ECB.
Theo kế hoạch, ECB sẽ nhóm họp vào ngày 15-12 và một loạt các các chỉ số về nền kinh tế cộng với những hướng dẫn về chính sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ tác động đến quyết định của ECB, mà không phải dữ liệu báo cáo lạm phát nêu trên.
Nguồn: TTXVN