Làm thế nào để đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả?

12/02/2014 - 08:43

Bà Lê Thị Ánh và cử tri huyện Châu Thành đặt vấn đề: Nhằm đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đồng thời góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm và giảm tỷ lệ tham gia tệ nạn xã hội, Chính phủ đã đề ra chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956.

Năm 2013, huyện Châu Thành đưa ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho đối tượng này là 1.500 người, nhưng chỉ đạt 301/1.500 (tỷ lệ 20,7%). Nguyên nhân vì sao không đạt? Năm 2014, ở mục chỉ tiêu văn hóa - xã hội lại đưa 1.000 lao động nữa. Vậy ngành Lao động, Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) và các ngành phối hợp có biện pháp gì để đạt chỉ tiêu này?

Ông Võ Văn Tùng - Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện trả lời: Theo số liệu cập nhật đến ngày 15-12-2013 về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, huyện đã tổ chức 35 lớp học với 850/1.500 học viên tham dự (đạt 59,66%). Nguyên nhân không đạt chỉ tiêu đề ra do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là nông dân và người nghèo, số đối tượng này muốn có việc làm ngay để trang trải cuộc sống, nên không tham gia học nghề. Kinh phí phân bổ cho các lớp phân bổ chậm. Cơ cấu, trình độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thật sự phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các ngành nghề mới theo yêu cầu thị trường nên ít người tham gia học nghề. Bên cạnh đó, kết quả điều tra nhu cầu học nghề của các xã, thị trấn không chính xác; công tác tuyên truyền chưa đồng bộ; vẫn còn một vài địa phương chưa quan tâm việc lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chủ trương đào tạo nghề; lao động nông thôn ngày một giảm; việc khai thác, sử dụng thiết bị dạy nghề của các trung tâm chưa hiệu quả, giáo viên cơ hữu của trung tâm không phù hợp với ngành nghề mở lớp… nên lượng lao động nông thôn tham gia các lớp học chưa nhiều, thậm chí có địa phương nhiều năm không mở được lớp dạy nghề nào. Hoặc người tham gia lớp học nghề thuộc lứa tuổi trung niên nên đầu ra sau học nghề gặp khó khăn. Việc phối hợp với các đoàn thể từ huyện đến xã thiếu chặt chẽ trong công tác vận động mở các lớp dạy nghề…

Năm 2014, ở mục chỉ tiêu văn hóa - xã hội lại đưa 1.000 lao động nữa là khó khả thi, vì hiện nay chưa biết nguồn kinh phí được phân bổ cho huyện là bao nhiêu, nên Phòng đề nghị giao việc tổ chức, triển khai thực hiện đạt 100% nguồn kinh phí được bố trí cho công tác dạy nghề theo Quyết định 1956 là hợp lý. Hàng năm, kinh phí thực hiện cho công việc này được Quốc hội quyết định, phân bổ cho các tỉnh; tỉnh phân bổ cho các huyện để tổ chức triển khai thực hiện. Cho nên việc phân bổ chỉ tiêu số lượng người được học nghề phải trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ. Giải pháp cho năm 2014 là phải tập trung khắc phục hiệu quả những mặt hạn chế về công tác đào tạo nghề năm 2013 để tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị.

* Qua theo dõi hoạt động xét xử của TAND huyện, hiện còn nhiều án tạm đình chỉ (đứng nhất tỉnh). Đề nghị ngành tòa án nêu nguyên nhân và hướng giải quyết?

- Ông Trương Việt Thắng - Chánh án TAND huyện trả lời: Án tạm đình chỉ là do đương sự yêu cầu; đương sự không phối hợp (đo đạc, định giá); đợi cung cấp hồ sơ và kết quả của cơ quan có liên quan; đương sự chết và chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ.

Về giải pháp, sẽ tập trung tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đến toàn cán bộ, công chức của ngành, phấn đấu giải quyết các loại án đạt chỉ tiêu; chú trọng các án đã tạm đình chỉ… Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan (đo đạc, định giá) để sớm có kết quả đưa vụ án ra xét xử; hoặc chưa có kết quả thì chủ động nhắc nhở để có kết quả sớm nhất…

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích