Bác Hồ với những anh hùng và dũng sĩ miền Nam. Ảnh: T.L
Tình cảm Bác dành cho đồng bào miền Nam
Hồi ký của cô Ba Định kể về việc được gặp Bác sau chuyến vượt biển mở đường vào tháng 3-1946: “Đoàn cán bộ vượt trùng dương ra đến Hà Nội ngày hôm trước thì ngay hôm sau đã được Bác Hồ đến thăm”. Bác ưu tiên cho cô Ba được nói trước. Cô Ba quá bất ngờ không nói được gì chỉ nói “Dạ thưa Bác…” rồi nghẹn lời”.
Bác dặn dò: “Vì giặc Pháp xâm lược, gây bao khó khăn, phải kháng chiến đuổi chúng ra khỏi đất nước, mới dễ dàng Bắc - Nam sum họp. Kháng chiến phải cần súng đạn. Các cô chú muốn nhiều súng ống lắm phải không? Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về Nam, nhưng nước ta còn nghèo, các cô, các chú về phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng cái vốn đó thì mới nhiều”.
Bác hỏi han tình hình đời sống, kháng chiến ở Nam Bộ, biết đồng bào chịu nhiều gian khổ hy sinh, Bác không ngăn được dòng nước mắt.
Đồng chí Ca Văn Thỉnh - thành viên trong đoàn vượt biển đã viết: “Hình ảnh dòng nước mắt của Bác thương yêu đồng bào Nam Bộ, thấm sâu vào tâm não của tôi, không bao giờ phai mờ cho đến ngày nay”.
Sau đó, đoàn được dự lễ mừng sinh nhật Bác vào ngày 19-5-1946. Trong buổi lễ Bác nói: “Bác không thết các cô, các chú gì cả, vì nhân dân ta ở miền Nam còn đang chịu bao nhiêu đau khổ bởi giặc Pháp gây ra. Bác cháu ta chưa thể nào vui được. Vậy các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào miền Nam ruột thịt, cả nước ta một lòng đánh đuổi giặc Pháp. Nhất định chúng ta sẽ thắng lợi, sẽ có ngày đoàn tụ Nam Bắc một nhà. Lúc đó cả nước ta sẽ liên hoan thắng lợi một thể”. Nói xong Bác khóc, mọi người đều khóc vì xúc động trước tình cảm mãnh liệt của Bác dành cho đồng bào miền Nam.
Đồng chí Lê Thanh Hùng, một trong những người vượt biển bằng ghe máy ra miền Bắc vào ngày 1-5-1961, tại Cồn Tra (huyện Thạnh Phú ) để xin chi viện vũ khí. Đồng chí đã vô cùng xúc động kể lại: “Lần đầu tiên được thấy Bác nên cảm giác như bị thôi miên, cứ ngỡ là trong mơ cả. Trông thấy Bác còn khỏe, giản dị, đồng thời trong cái giản dị ấy có cái dáng dấp thanh nhã - vô cùng vĩ đại. Trông Bác hiền từ như một vị cha già nhân hậu, da Bác hồng hào, nói năng hoạt bát và vui vẻ”.
Trong chuyến về khi gặp tàu lạ bám theo, tất cả anh em trên tàu đều có chung ý nghĩ: “Bác ơi! Chúng cháu không sợ hy sinh, chúng cháu sẵn sàng hy sinh nhưng chỉ sợ mình hy sinh trong khi chưa hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiếc hy sinh mà không góp phần thực hiện được mong muốn của Bác đối với miền Nam ruột thịt”.
Con tàu của đồng chí Lê Thanh Hùng và các đồng đội được vinh dự lớn mang danh hiệu là “Con tàu mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”.
Học và làm theo Bác
Tấm gương của Bác Hồ tỏa ra sức mạnh tinh thần kỳ diệu, sức mạnh ấy là động lực trong mỗi con người Việt Nam. Lời dạy và việc làm của Người là kim chỉ nam, để mỗi chúng ta nhận rõ hướng đi và cách đi đúng đắn của mình. Làm theo lời Bác, ngoài việc vượt biển xin vũ khí về Nam đánh giặc, quân dân Bến Tre trong hai cuộc kháng chiến anh dũng đã lấy vũ khí giặc đánh lại giặc, bom lép, đạn lép được công binh xưởng chế tạo thành mìn diệt địch; chiến lợi phẩm thu được của địch cũng thật khó mà thống kê cho đầy đủ.
Đồng chí Trần Văn Huê, quê ở xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày, nguyên là thành viên Đoàn công tác của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đi hoạt động đối ngoại ở một số nước trên thế giới vào năm 1962. Tháng 7-1962, đoàn được gặp Bác tại thủ đô Mat-xcơ-va (Liên Xô), lúc đó, Bác cũng đang công tác tại Liên Xô. Ai cũng xúc động vô cùng trong lần đầu gặp Bác. Nhìn thấy Bác “gương mặt hồng hào, đôi mắt sáng và linh hoạt có sức hấp dẫn lạ thường”. Bác hỏi han và không bao giờ cắt ngang lời nói của ai cả. Bác giảng giải về tình hình các nước trên thế giới, chỉ dẫn cho chúng tôi phải có cái nhìn toàn diện về các vấn đề cần giải quyết.
Bác hỏi: “Chúng ta ngồi đây, nhìn thấy chiếc đồng hồ điện Kremlin. Chú có biết mặt đồng hồ nhìn về hướng nào không?”
Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Chính phủ ta ở Liên Xô, trả lời là hướng Đông. Bác nói: “Từ đây chúng ta cho rằng mặt đồng hồ nhìn về hướng Đông. Nhưng nếu ở vị trí hoàn toàn ngược lại, người khác sẽ nói nó nhìn về hướng Tây. Chiếc đồng hồ lại có đến bốn mặt. Vì thế, khi nhận định một vấn đề gì, nhất thiết phải xem xét đầy đủ các khía cạnh với thái độ khách quan…”.
Khi đến giờ chia tay, Bác đứng thẳng, chống tay lên hông hỏi: “Các cô chú trông Bác có đẹp lão không?”. Ai cũng bất ngờ trước sự hóm hỉnh, vui tính của Bác. Mọi người cười: “Bác cũng cười ra tiếng, cười cả trong ánh mắt. Gương mặt của Bác càng hồng hào, chòm râu bạc nhẹ rung”. Khoảnh khắc ấy không ai trong đoàn có thể quên được. Phong thái ung dung, giản dị, nhanh nhẹn và yêu đời của Bác đã gây ấn tượng sâu đậm cho tất cả những ai được vinh dự gặp Bác một lần trong đời.
Lịch sử Bến Tre gắn liền với lịch sử Cách mạng miền Nam và cả nước, Đảng bộ Bến Tre lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang Bến Tre với niềm tin yêu vô hạn ở Bác Hồ đã làm nên những chiến công rạng rỡ. Xứng đáng quê hương Đồng khởi anh hùng, là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào cách mạng của cả nước.
Với tinh thần cách mạng kiên trung đối với Đảng và Bác Hồ, trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Bến Tre luôn trân trọng những kỷ niệm về Bác. Bác đã đi xa nhưng những người con Bến Tre vẫn vững bước đi theo con đường Bác đã vạch ra, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị và cũng là thiết thực đền đáp tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào miền Nam, trong đó có Bến Tre. |
Thu Thảo