Lan tỏa phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới

26/08/2019 - 09:07

BDK - Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh đã thực hiện đạt được nhiều chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó, nổi bật nhất là kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển, làm thay đổi diện mạo nhiều làng quê. Nhằm đánh giá toàn diện, tổng thể kết quả, tác động từ Chương trình và phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nguyễn Hữu Lập xung quanh nội dung trên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập trao bằng khen và tiền thưởng của UBND tỉnh cho xã Phú Hưng (TP. Bến Tre). Ảnh: Hữu Hiệp

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập trao bằng khen và tiền thưởng của UBND tỉnh cho xã Phú Hưng (TP. Bến Tre). Ảnh: Hữu Hiệp

* Phóng viên: Xin ông cho biết tác động tích cực trong 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh?

- Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 43 xã NTM, góp  phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,3 triệu đồng/năm, tăng 22 triệu đồng so với năm 2010.

Nếu so với nghị quyết, đến năm 2020 của tỉnh đề ra là 45 xã và xây dựng huyện Chợ Lách thành huyện NTM thì đến thời điểm này, chỉ còn 2 xã nữa là đạt. Từ nay đến cuối năm 2019, khả năng sẽ công nhận thêm khoảng 6 xã nữa thì cuối năm 2019 đạt 49 xã (vượt so với chỉ tiêu nghị quyết). Mặt khác, đến cuối năm 2020, theo lộ trình có thể toàn tỉnh sẽ có tổng cộng 54 xã được công nhận và có thể cao hơn. Huyện Chợ Lách cũng sẽ đạt chuẩn huyện NTM và TP. Bến Tre nay cũng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Theo chỉ đạo của BCĐ Trung ương, đến hết nhiệm kỳ này, tỉnh phải hoàn thành huyện NTM Chợ Lách và TP. Bến Tre phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Hiện nay, bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 13,37 tiêu chí (TC), nếu so cả nước là còn thấp, nhưng đối với tỉnh là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu của lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị và người dân. Bởi nhiều địa phương có xuất phát điểm rất thấp nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã bứt phá đi lên, rất đáng trân trọng và biểu dương.

Ngoài các xã điểm thực hiện xây dựng NTM theo lộ trình, kế hoạch với những bước đi phù hợp, hiệu quả, BCĐ tỉnh còn tập trung dồn sức cho 4 TC cứng theo Nghị quyết Tỉnh ủy, định hướng BCĐ, đó là thu nhập, giao thông, an ninh trật tự, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tinh thần chỉ đạo này rất phù hợp với sự chỉ đạo của Trung ương. Qua đó, UBND tỉnh cũng đã triển khai Đề án số 3333 về xây dựng giao thông nông thôn và phát động phong trào “Ngày Chủ nhật NTM”.

* Kết quả thực hiện Đề án số 3333 và “Ngày Chủ nhật NTM” như thế nào, thưa ông?

- Với Đề án số 3333, đã có 16 công trình đăng ký và đã hoàn thành 10 công trình. Các công trình đều đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, đạt chuẩn NTM.

“Ngày Chủ nhật NTM”, sau khi phát động, các địa phương, người dân hưởng ứng tích cực, nhiều công trình, phần việc được triển khai liên tục, sâu rộng trong cộng đồng dân cư, qua đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, lan tỏa không khí xây dựng NTM.

Từ kết quả này, tôi đánh giá cao hệ thống chính trị, chủ thể người dân thời gian qua có sự tập trung cao và đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, khẳng định chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” là phù hợp, phát huy hiệu quả. Đây là thành tựu to lớn nhất qua 10 năm xây dựng NTM.

* Đâu là kinh nghiệm qua 10 năm xây dựng NTM?

- Bài học kinh nghiệm lớn nhất là “ý đảng, lòng dân”. Từ Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó NTM là quan trọng. Chính phủ cũng đã có chương trình phát triển NTM. Qua đó, tỉnh đã xây dựng Đề án NTM, có nhiều chủ trương, kế hoạch cụ thể phù hợp cho từng cấp, ngành với sự quyết tâm cao, trong đó có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hăng hái tham gia, giám sát của người dân. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào ở địa phương.

Phong trào được xây dựng đúng thực chất, không chạy theo thành tích,  tập trung chắt chiu từng TC, không nợ trong xây dựng công trình. Các xã đã hoàn thành hiện đang tiếp tục nâng chất, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Trong quá trình điều hành xây dựng NTM, tỉnh đã nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp đột phá, xác định trọng tâm, trọng điểm thực hiện. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh dồn sức xây dựng 4 TC cứng là giao thông; thu nhập; môi trường, an toàn thực phẩm; quốc phòng và an ninh để tạo động lực lôi kéo và làm nền tảng vững chắc để hoàn thành các TC còn lại. Xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ các địa phương với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” gắn với phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.

Mạnh dạn, chủ động trong tiếp cận, nghiên cứu triển khai thực hiện Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” với kỳ vọng làm thay đổi phương thức sản xuất, lựa chọn các sản phẩm chủ lực, tiềm năng để nâng cao giá trị, tạo sự đột phá trong phát triển sản xuất.

* Quan điểm của tỉnh ủy trong xây dựng xã NTM là không có điểm dừng, ông cho biết một số định hướng lớn cần triển khai trong thời gian tới?

- Trước hết, tiếp tục nâng cao các TC đã đạt như thu nhập, xóa nghèo, môi trường, hệ thống chính trị, phát triển sản xuất. Đặc biệt quan tâm TC thu nhập. Cần nâng mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay 37 triệu đồng/năm, cao hơn qua từng năm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Để đạt được, cần tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp phải theo hướng xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đã ban hành, đặc biệt là Chương trình OCOP nhằm tạo sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, có giá trị cao, nâng cao thu nhập ổn định, bền vững cho người dân. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn thoát nghèo. Mục tiêu 5 năm tới, các xã còn lại phải hoàn thành đạt chuẩn NTM. Trong đó, tiếp tục chọn từ 2 - 3 huyện nữa để xây dựng huyện NTM.

Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý các cấp, trong đó chú trọng bộ phận thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên BCĐ. Tiếp tục đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức của cán bộ trực tiếp làm NTM. Rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách sát hợp từng thời điểm cho phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

Giải pháp đặt ra hiện nay vẫn là tập trung lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đặc biệt là NTM. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ trong 5 năm tới 2020 - 2025. Phải xác định nông nghiệp vẫn là khâu quan trọng, chủ lực phát triển theo hướng sạch, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu. Tiếp tục tạo sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, lao động để đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân.

Thu Huyền (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN