Làng nghề thành di sản văn hóa

26/01/2019 - 21:39

Công đoạn tráng bánh. Ảnh: Nguyễn Dừa

Công đoạn tráng bánh. Ảnh: Nguyễn Dừa

Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng - xã Mỹ Thạnh và nghề làm bánh phồng Sơn Đốc - xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm là hai làng nghề thủ công truyền thống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2018. Với chiều dài hình thành và phát triển, cộng với bằng công nhận, hai làng nghề đang có một bước ngoặt mới hướng đến con đường rộng lớn hơn.

100 năm hương vị bánh quê

Đây là hai làng nghề lâu đời và nhiều hộ gia đình làm nghề truyền dạy qua nhiều thế hệ, sức sống ấy hơn 100 năm và nổi tiếng thơm ngon đứng đầu so với các nơi khác. Ông Võ Văn Thành, 72 tuổi, ngụ ấp Hưng Hòa Tây, xã Hưng Nhượng kể rằng, từ thời ông bà nội của ông đã có làm bánh phồng, sau đó cha mẹ tiếp tục làm nghề, khi lớn lên, ông nối nghiệp và truyền lại cho các con nghề làm bánh phồng và hiện nay, người con út đang sinh sống và làm nghề bánh phồng cùng với ông (nghĩa là gia đình ông đã có 4 thế hệ theo nghề làm bánh). Hay như bà Nguyễn Thị Mẫu Đơn, 66 tuổi, ngụ ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, bà quê ở An Giang, có chồng về đây và được học nghề làm bánh tráng từ mẹ chồng. Hiện nay, gia đình bà tiếp tục làm bánh tráng và đây là nghề chính của gia đình.   

Nghề làm bánh tráng và bánh phồng tồn tại lâu đời đã góp phần đem lại những giá trị vật chất và tinh thần cho người dân xứ Dừa. Làng nghề sản xuất quanh năm, cao điểm là vào thời điểm từ tháng 11 âm lịch để phục vụ Tết Nguyên đán. Vì vậy, đòi hỏi các hộ sản xuất phải có sự thay đổi liên tục, không ngừng sáng tạo để sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng đưa vào thị trường. Đặc biệt, hai làng nghề còn khai thác nguyên vật liệu tại chỗ, góp phần tiêu thụ nông sản và nâng cao chuỗi giá trị của cây dừa Bến Tre.

Ban đầu, làng nghề bánh tráng chỉ làm bánh tráng nem, loại bánh khi ăn phải nhúng qua nước, dùng để gói, cuốn với nhiều nguyên liệu thành các món ăn khác nhau. Những năm 1960, bà con mới sáng tạo ra bánh tráng dừa, khi ăn phải nướng lên. Bánh tráng dừa đã trở thành sản phẩm chính của làng nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng” hiện tại, hấp dẫn nhiều người với hương vị thơm, béo, giòn. Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng được Tạp chí Ẩm thực vinh danh danh hiệu “Tinh hoa đặc sản 3 miền” (năm 2014). Còn với bánh phồng, ngoài loại bánh phồng nếp truyền thống, vào khoảng năm 1990, nơi đây đã sản xuất thêm loại bánh phồng mì. Từ đó, người dân Sơn Đốc tiếp tục sáng tạo ra món bánh phồng mì dán chuối. Hiện nay, món bánh phồng dán chuối hấp dẫn nhiều người bởi vị ngọt của chuối, vị béo thơm của mì.

Đặc điểm hai làng nghề là sản xuất thủ công cần sử dụng nhiều lao động ở nhiều công đoạn, từ làm bột đến cán bánh và nhất là để kịp phơi bánh vào buổi sáng nên đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở tại địa phương. Người lao động tùy theo công đoạn và năng suất làm việc, có thu nhập từ vài chục ngàn đến hơn 100 ngàn đồng/ngày.

Ngoài đem lại giá trị về kinh tế, 2 làng nghề truyền thống bánh tránh Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc còn tạo nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Bánh tráng, bánh phồng trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cũng như làm quà biếu cho họ hàng, bạn bè gần xa mọi thời điểm trong năm. Không chỉ thế, hai loại bánh này còn là lễ vật dùng trong lễ cúng đưa rước ông Táo, cúng dâng ông bà, tổ tiên. Từ một món ăn bình thường, bánh tráng, bánh phồng đã trở thành một lễ vật mà người dân Nam Bộ dùng để hiếu kính với các bậc tiền nhân. Có thể thấy, ngoài giá trị vật thể, bánh tráng, bánh phồng ở hai làng nghề trên còn ẩn chứa nhiều giá trị phi vật thể, gắn với không gian văn hóa.

Gắn với du lịch

Hiện nay, hai làng nghề đã ứng dụng máy móc vào trong quá trình sản xuất, công đoạn xay bột cũng được cải tiến bằng máy điện, công đoạn cán bánh ngoài hình thức cán bánh bằng tay thì nhiều hộ đầu tư máy cán tự động. Về hai làng nghề trong thời điểm vào xuân, đâu đâu cũng sôi nổi không khí “mùa bánh Tết”, các hộ đang ráo riết sản xuất, nhà nhà, người người cán bánh, phơi bánh, đóng gói thành phẩm…

Bà Lê Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng cho biết: Trên địa bàn xã có 24 cơ sở sản xuất bánh phồng với hơn 150 lao động. Thực trạng làng nghề bánh phồng hiện nay cũng còn một số vướng mắc cần tập trung để khắc phục. Đầu tiên sẽ kiện toàn bộ máy quản lý của làng nghề là hợp tác xã, kế đến là vận động phát triển thành viên, duy trì hoạt động. Ngoài ra, sẽ tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm. Giải pháp của địa phương là sẽ kết nối thêm với một số con em của xã Hưng Nhượng đang làm ăn xa, có khả năng hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm làng nghề.

“Tới đây, địa phương sẽ rà soát và lên kế hoạch để phát triển làng nghề bánh phồng xứng đáng với danh hiệu được công nhận. Trong đó, tiếp tục vận động bà con trong làng nghề sản xuất đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm. Sau đó, địa phương sẽ có những đề xuất với các ngành chức năng của huyện, của tỉnh xây dựng một vài mô hình phơi bánh đảm bảo an toàn và triển khai rộng rãi. Đồng thời, xã sẽ xem xét chọn một số điểm phù hợp để xây dựng điểm trưng bày sản phẩm gắn với phát triển du lịch”, bà Hằng thông tin. 

Cũng theo bà Hằng, vì đây là làng nghề truyền thống nên bên cạnh việc phát triển làng nghề theo phương thức ứng dụng khoa học kỹ thuật thì địa phương sẽ chọn một vài hộ để vận động phục dựng, duy trì quy trình sản xuất theo truyền thống để khách tham quan, trải nghiệm đúng theo ý nghĩa làng nghề truyền thống.

Làng nghề bánh tráng cũng trên đường đi theo hướng làng nghề bánh phồng. Xã Mỹ Thạnh có lợi thế là cách trung tâm TP. Bến Tre chỉ khoảng 6km nên rất thuận tiện đưa du khách đến tham quan. Phát triển nghề làm bánh tráng thành sản phẩm chủ lực để phục vụ du lịch là góp phần khai thác tốt những tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hương vị thơm ngon, giòn béo của những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc đã tạo được dấu ấn riêng trong danh sách ẩm thực xứ Dừa mà nhiều người đã được thưởng thức qua vẫn còn muốn dùng thêm nữa.

“Để hai làng nghề truyền thống này được duy trì và phát triển mạnh hơn, huyện cùng với hai địa phương và các ngành chức năng tỉnh hướng đến giải pháp củng cố, nâng chất hợp tác xã; cải tiến công nghệ sản xuất; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường; có nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường và hướng đến đa dạng thêm nhiều sản phẩm; kết nối tìm kiếm thêm thị trường đầu ra. Đồng thời, xây dựng điểm dừng chân quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch”.

(Ông Phạm Tấn Lễ - Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm)

A.Nguyệt - H.Nghĩa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN