Làng Trẻ em SOS Bến Tre: 20 năm hình thành và phát triển

06/01/2020 - 06:55

BDK - Sau 20 năm thành lập, với 12 nhà gia đình, Làng Trẻ em SOS đã nuôi dạy, giáo dục, hướng nghiệp cho hơn 400 trẻ bao gồm cả trẻ hưởng học bổng SOS. Nơi đây như là mái ấm gia đình, một xã hội thu nhỏ mà ở đó các em sẽ được yêu thương, chăm sóc bằng cả sự tận tâm và tình người.

Trẻ Làng Trẻ em SOS tham gia hoạt động ngoại khóa.

Trẻ Làng Trẻ em SOS tham gia hoạt động ngoại khóa.

Tình thương bồi đắp nhân cách

Có thể nói, đối với những trẻ em gặp không may trong cuộc sống như mồ côi hoặc bị bỏ rơi, người thân không còn khả năng chăm sóc thì gia đình SOS là nơi có thể đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của trẻ. Khác với trường học, Làng SOS là nơi nuôi dưỡng, giáo dục các em theo mô hình nền tảng gia đình với 4 nguyên tắc: mẹ, anh chị em, mái ấm gia đình và cộng đồng.

Mỗi ngôi nhà là tổ ấm của gia đình có mối quan hệ gắn bó với từng trẻ thông qua mối xây dựng của bà mẹ. Với vai trò này thì người mẹ tạo ra môi trường gia đình để giáo dục, nuôi dưỡng các con mình nên người. Những nhân viên khác trong làng hỗ trợ giúp đỡ các gia đình theo nhu cầu của bà mẹ và các con.

Theo chị Tạ Ngọc Thu, người gắn bó với làng từ khi mới thành lập, hiện nay đã nghỉ hưu và sống trong làng, mẹ của trẻ làng phải biết hy sinh, yêu thương các con như chính bản thân mình. “Chúng ta phải quan tâm các con, tạo không khí đầm ấm của gia đình, lắng nghe ý kiến và cảm thông với hoàn cảnh các con. Điều cốt yếu hơn cả là phải hiểu trẻ, phải biết được hoàn cảnh gia đình chúng. Có như vậy mới xây dựng được mối quan hệ tốt giữa mẹ và các con”, chị Thu bộc bạch.

Em Ka Đới, quê Lương Hòa, Giồng Trôm vào làng từ khi em 5 tuổi. Do hoàn cảnh ba mẹ mất sớm, ông ngoại già yếu vậy là em được Ban giám đốc Làng nhận nuôi. Đới hiện đã có gia đình riêng tại Đà Nẵng. Nhớ về những ngày sống tại làng, em chia sẻ: Có gia đình riêng rồi em mới thấy gia đình quan trọng đến mức nào. Ngày đó, vào làng em chỉ là đứa bé chưa biết gì vậy mà mẹ, các dì, các cô, chú, bác ở đây yêu thương, chăm sóc em như con ruột. Giờ đi xa, em mới cảm nhận được tình cảm thân thương mà làng dành cho em là không gì thay thế được.

Cùng tâm sự với Đới là bạn Trương Thị Mỹ Linh giờ đã lập gia đình tại Gò Dầu, Tây Ninh. Linh vào làng năm em 11 tuổi vì hoàn cảnh gia đình. Linh tâm sự: “Làng là gia đình em, là nơi cho em tình cảm thiêng liêng của người mẹ, tình thương của anh em, ruột thịt”.

Nhớ về những ngày đầu thành lập, ông Huỳnh Công Bình - Giám đốc Làng Trẻ em SOS bồi hồi: Thấm thoát đã hơn 20 năm làng được đưa vào hoạt động (tháng 3-1999) với hơn 30 trẻ được tiếp nhận từ các địa phương trong tỉnh. Vào làng, trẻ sống cùng nhau như anh chị em trong gia đình với sự chăm sóc tận tình của các mẹ như mẹ ruột thịt. Trẻ được hưởng đầy đủ quyền lợi và bổn phận trẻ em.

Yêu thương và trách nhiệm

Sau 20 năm thành lập với 12 nhà gia đình, làng đã và đang nuôi dạy hơn 400 trẻ bao gồm trẻ hưởng học bổng SOS. Ngoài trẻ em trong tỉnh, làng còn nhận một số trẻ từ các tỉnh bạn như: Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp. Ngoài các gia đình, nhà làm việc, làng có trường Mẫu giáo SOS, trường phổ thông nhiều cấp học Hermann Gmeiner, khu lưu xá thanh niên. Các trẻ sẽ được học tại Trường Hermann Gmeiner từ bậc tiểu học đến THPT. Sau 18 tuổi, tất cả trẻ đều được học nghề, học đại học. Theo ông Huỳnh Công Bình, những trẻ đầu của làng nay đã trên dưới 30 tuổi, hầu hết đều có việc làm ổn định, thu nhập đủ sống. Hiện có 39 em đã lập gia đình riêng.

Giờ vui chơi của mẹ và trẻ tại Làng Trẻ em SOS.

Giờ vui chơi của mẹ và trẻ tại Làng Trẻ em SOS.

Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong làng, SOS còn nuôi trẻ mồ côi nghèo tại địa phương với tên gọi chương trình Hỗ trợ cộng đồng (FSP), ngăn ngừa trẻ bỏ học do nguy cơ tan vỡ gia đình. Làng thường xuyên hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng/trẻ cho 200 trẻ trong tỉnh bắt đầu từ năm 2011. Tính đến nay đã có 478 lượt trẻ hưởng lợi từ chương trình này; 14 trẻ học lên đại học và tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ tổ chức SOS với mức hỗ trợ 900 ngàn đồng/tháng/trẻ.

Lưu xá thanh niên hoạt động từ năm 2006, quy mô nuôi 40 thanh niên là những trẻ trai lớn trong làng và những trẻ hưởng học bổng SOS, đã có 47 thanh niên trưởng thành từ lưu xá này. Xưởng nghề thực hành miễn phí dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn hoạt động từ năm 2008, quy mô dạy 20 thanh niên mỗi năm. Vào xưởng các em được học các nghề sửa chữa gia dụng như: hàn, điện, điện lạnh, nước. Sau khóa học, tất cả được giới thiệu việc làm và 85% có việc làm ổn định, thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Đã có 152 thanh niên hưởng lợi từ dự án này.

Trường Mẫu giáo hoạt động từ năm 2000 với quy mô 6 lớp cho 180 học sinh. Hơn 19 năm qua, trường luôn tạo được niềm tin từ phụ huynh cũng như lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo tỉnh. “Niềm vui lớn nhất của các mẹ, cán bộ quản lý làng là nhìn các con được lớn lên tự tin bước vào đời”, ông Huỳnh Công Bình bộc bạch.

Trong 20 năm qua, Làng Trẻ em SOS đã nhận rất nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký năm 2009. Với sự chăm lo cho trẻ em bất hạnh, trong 20 năm qua, Làng Trẻ em SOS đã tạo ấn tượng đẹp cho mọi người về một cơ sở xã hội nuôi dưỡng đối tượng trẻ em bất hạnh giữa lòng TP. Bến Tre.

Bài, ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích