Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội đã có cuộc làm việc với đại diện Phòng Kinh tế thành phố Bến Tre, Hội Doanh nghiệp Thành phố, một số doanh nghiệp cùng Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bến Tre và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Cuộc gặp gỡ này nhằm nắm thông tin, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thông qua gói kích cầu của Chính phủ và sự tác động của việc sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp trong thời gian qua để kịp thời phản ánh ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII sắp tới.
Đại biểu các doanh nghiệp tỉnh đã tập trung vào các nội dung: Việc hỗ trợ vay vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đối với các doanh nghiệp trong thời gian qua thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp theo Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ có hạn mức cho vay ngắn (tối đa 8 tháng), đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian cho vay để doanh nghiệp chủ động sản xuất, kinh doanh.
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được triển khai kịp thời, nhận được sự ủng hộ, đồng tình rộng rãi, đã có hiệu quả thiết thực đối với tình hình sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh khắc phục khó khăn, giảm chi phí và duy trì phát triển sản xuất, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tính đến ngày 15-9-2009 đã có 38 ngàn lượt tổ chức, cá nhân vay, với số tiền khoảng 5,2 tỷ đồng.
* Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre vừa có buổi giám sát tình hình hoạt động của công ty Cổ phần sản xuất chế biến chỉ xơ dừa 25-8 (xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre) và giải pháp khắc ô nhiễm môi trường do bà Nguyễn Thị Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.
Công ty chính thức hoạt động theo mô hình mới vào đầu năm 2006, vốn điều lệ đăng ký lần đầu là 6 tỷ đồng do cổ đông đóng góp. Hiện nay, vốn điều lệ đăng ký của công ty đã tăng lên 15 tỷ đồng, có 8 phân xưởng sản xuất chỉ xơ dừa nằm tại các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và một nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy trực thuộc công ty, giải quyết cho trên 500 lao động địa phương. Tác động gây ô nhiễm môi trường của công ty tuy có từng bước được khắc phục nhưng vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến học sinh các trường học lân cận, dân cư và người đi trên đường Nguyễn Thị Định, đường tỉnh 885, nhất là khi trời gió mạnh và mưa nhiều.
Đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát tại Công ty 25/8. Ảnh: CTrúc.
Theo kế hoạch, công ty sẽ di dời ra khỏi nội ô thành phố, nhưng giải pháp nào? Đó là nội dung chính của cuộc giám sát. Theo ông Cao Thành Hiếu – Phó Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre, ngày đầu công ty thành lập, xung quanh là đồng ruộng, dân cư thưa thớt. Nay, do quá trình phát triển chung, việc sản xuất ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống dân cư đô thị. Buổi giám sát đã đặt ra vấn đề mới cần lưu tâm, rút kinh nghiệm cho các ngành chức năng là khi phát triển xây dựng các cơ sở mới cần đảm bảo khoảng cách ảnh hưởng của các nhà máy sản xuất.