 |
Họa sĩ Lê Dân đang khắc họa lại sự kiện Binh vận lấy đồn nhà thờ Ba Châu. Ảnh: QH |
Họa sĩ Lê Dân vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đợt I, lần thứ nhất năm 2010. Đây là phần thưởng dành tặng riêng cho văn nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Chúng tôi tìm đến nhà họa sĩ Lê Dân (tên thật là Lê Thanh Liêm) tại xã Lương Quới (Giồng Trôm) vào những ngày đầu tháng 9. Chắc rằng, nếu ai đã từng một lần tiếp xúc với họa sĩ Lê Dân đều có thể cảm nhận được ở ông sự hiền hòa mà sôi nổi, nhẹ nhàng mà sâu sắc; một phong thái ung dung tự tại và đầy chất nghệ sĩ.
Đã bước vào tuổi 66, nhưng ông luôn vui vẻ, hoạt bát. Đang trò chuyện, ánh mắt của ông chợt sáng lên khi bàn đến hội họa, tranh luận về cái đẹp, về nguồn cội của mỹ thuật. Có thể nói, tranh của Lê Dân luôn có giá trị trong thời chiến cũng như lúc hòa bình. Ông đã dùng tư duy sâu sắc về họa hình, họa lý của mình để phục vụ nhu cầu chính trị tại địa phương.
Với họa sĩ Lê Dân, có lẽ ông được thừa hưởng sự tài hoa của người cậu cũng là họa sĩ. Những nỗ lực của người cậu trở thành ký ức và khích lệ ông trên con đường làm nghệ thuật của mình. Trải qua nhiều thăng trầm với cái nghiệp mà mình trót mang, từ vẽ phông màn cho đoàn hát, tranh cổ động ở các phòng thông tin xã cho đến trình bày báo,… nhưng ông vẫn luôn say mê công việc sáng tạo - một phần không thể thiếu của cuộc sống. Sở trường cầm cọ của ông như được cách mạng giao phó “sứ mệnh trải nghiệm thời đại mà vẽ”, cho nên ông sáng tác rất khỏe và có nhiều tác phẩm như “bản hùng ca”, góp phần cổ động cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Từ năm 1975 đến nay, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, ông tiếp tục sáng tác, trong đó có nhiều tranh sơn dầu, phục vụ cho yêu cầu chính trị của tỉnh nhà, tham gia triển lãm mỹ thuật ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và được nhiều giải thưởng. Ngoài lĩnh vực mỹ thuật, Lê Dân còn lấn sân sang âm nhạc (và cả thơ, điêu khắc). Ông đã cho ra mắt khoảng 50 ca khúc đậm nét dân ca. Một số ca khúc đi vào lòng người: Gửi mẹ Lương Hòa, Mùa xuân thơm ngát hoa anh hùng, Người mẹ bên bến Hàm Luông...; được giải thưởng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Xem qua tác phẩm hội họa của ông, điều có thể thấy được trong mối tương quan của chúng là phản ánh hiện thực của chiến tranh - vừa bi, vừa tráng. Lê Dân đã khéo léo gột tả những hình ảnh ấy bằng những gam màu, đường nét điêu luyện để thể hiện khí phách hào hùng của người con xứ dừa trước quân thù (như bức tranh Đội quân tóc dài…), nhưng cũng lắm đau thương của người mẹ phải mất con (như bức tranh chân dung Người mẹ Việt Nam anh hùng ngồi trước mâm cơm).
Phải nói rằng, những điều thuộc về thế giới của nghệ thuật luôn cần đến năng khiếu và tài hoa, điêu khắc cũng không ngoại lệ; nó tựa như một thách thức với bất kỳ ai trót đeo đẳng và đam mê. Hành trình điêu khắc của họa sĩ Lê Dân cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Hầu hết tác phẩm điêu khắc của ông được lấy cảm hứng từ trong chiến tranh khói lửa hay chân dung các vị tướng... Một điêu khắc gia - Lê Dân đã khéo léo miêu tả những hình ảnh ấy bằng các khối hình cách điệu mềm mại, sống động. Với ý tưởng của mình, ông đã phác thảo toàn bộ bố cục tượng đài Đồng Khởi, tạo thành điểm nhấn, biểu tượng đặc trưng của quê hương xứ dừa; hình ảnh những người lính trên bức tranh phù điêu đã thể hiện rõ nét khí thế hào hùng của những người con quê hương Bến Tre sẵn sàng chiến đấu và xả thân vì Tổ quốc; hay những bức chân dung của các danh nhân Bến Tre mà ông đã nặng lòng, kính phục để khắc họa hình tượng, như: nữ tướng Nguyễn Thị Định (bức tượng bằng thạch cao), nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu...
Làm nghệ thuật, ai cũng muốn tác phẩm của mình sáng tác phải có thần. Hoàn thành một tác phẩm đã khó, nhưng để tác phẩm ấy sống mãi với thời gian lại càng khó hơn. Vậy đâu là bí quyết? Theo họa sĩ Lê Dân, đầu tiên, nghệ thuật chỉ có giá trị khi cảm xúc thực sự thăng hoa. Vì vậy, cứ lúc nào có được sự thôi thúc của cảm xúc thì nắng cũng như mưa, ốm cũng như khỏe, ông lao ngay vào việc. Cho tới nay, sau năm mươi năm cầm cọ, họa sĩ Lê Dân đã có một gia tài vô giá, đó là hàng loạt những bức tranh với nhiều đề tài, kịp thời khắc họa lại nhịp điệu cuộc sống.
Hôm chúng tôi đến thăm họa sĩ Lê Dân cũng là lúc ông đang khắc họa lại sự kiện “Binh vận của cách mạng lấy đồn ở nhà thờ Ba Châu”. Nhìn đôi bàn tay điêu luyện ấy mà chúng tôi thêm lòng mến phục ở ông về cái tài và lòng yêu nghề. Như một con ong cần mẫn gom mật ngọt cho đời, ông đã lặng lẽ gởi tình yêu, khát vọng sống vào khuôn nhạc, tứ thơ và thổi hồn vào tác phẩm hội họa, điêu khắc… Tạm biệt họa sĩ Lê Dân, có lẽ tôi không thể nhớ hết những tác phẩm của ông, nhưng chắc rằng, tâm hồn và tình cảm ông truyền vào tác phẩm thì chỉ có một - ấy là tấm lòng của một họa sĩ trưởng thành từ gian khó.