Lễ đón nhận bằng xếp hạng văn hóa cấp tỉnh “Căn cứ điều trị, chăm sóc thương binh của tỉnh Long An” tại xã Thừa Đức

18/07/2023 - 13:19

BDK.VN - Ngày 18-7-2023, tại xã Thừa Đức, UBND huyện Bình Đại tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh “Căn cứ điều trị, chăm sóc thương binh của tỉnh Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - tại xã Thừa Đức”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam trao bằng công nhận.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam trao bằng công nhận.

Tham dự, có Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Nguyễn Quang Trị, Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện Bình Đại, xã Thừa Đức.

Phía tỉnh Long An, có Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Văn Dũng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh…

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chính quyền Sài Gòn tổ chức phản kích, trả thù quyết liệt trên khắp chiến trường miền Nam. Trên vành đai bảo vệ Sài Gòn, địch tung các sư đoàn bộ binh, thuỷ quân lục chiến và các lực lượng dự bị chiến đấu càn quét, đánh phá liên tục, gây cho ta rất nhiều tổn thất. Trạm quân y tiền phương đầy ắp thương binh. Những thương binh nhẹ phân tán trong dân, phải đưa xuống hầm bí mật. Trên chiến trường Long An, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong, vùng căn cứ cách mạng tỉnh Long An bị địch tăng cường càn quét ác liệt. Các trạm xá Quân y đặt ở Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước liên tiếp bị địch đánh phá làm cho số thương vong tăng thêm.

Không thể bám trụ, quân y Long An phải xây dựng cơ sở ngoài địa bàn để chăm sóc thương binh. Tư lệnh trưởng Phân khu 3 quyết định cử cán bộ đi tìm điểm lập căn cứ để vận chuyển, che giấu, nuôi dưỡng thương binh. Qua tìm hiểu, nghiên cứu địa bàn ở nhiều tỉnh đã quyết định chọn 3 xã Thừa Đức, Thạnh Phước, Thới Thuận (Bến Tre). Tuy nhiên, Phân khu 3 chọn  xã Thừa Đức để vận chuyển, che giấu, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 120 thương binh vì qua nghiên cứu thực tế cho thấy, càng về hướng biển, địch kiểm tra càng lỏng lẻo.

Đoàn tổ chức đào hàng chục hầm trú ẩn để làm điểm ở. Cứ 6 hầm là một điểm. Đến cuối tháng 2-1970, đoàn thương binh đầu tiên được chia thành nhiều đợt vượt qua sông Cửa Đại và đã đến được xã Thừa Đức (Bình Đại, Bến Tre), chuyến đầu tiên chuyển thành công được từ 20 đến 25 thương binh. Cuối tháng 3-1970, tất cả thương binh Long An đã được chuyển an toàn đến xã Thừa Đức, được nuôi giấu trong nhà dân thuộc các ấp Thừa Long, Thừa Trung....

Năm 1971, Tỉnh uỷ Bến Tre đã cấp 50.000 đồng để hỗ trợ, giúp đỡ thương binh, bệnh binh của tỉnh Long An. Nhân dân xã Thừa Đức đã giúp tiền bạc, tiếp tế gạo. Sau Hiệp định Paris, vùng giải phóng tỉnh Long An càng được mở rộng, Tỉnh uỷ Long An đưa số thương binh này trở về tỉnh nhà. Còn 13 thương binh ở lại căn cứ đến ngày 30-4-1975.

Những năm ở Bình Đại, trại thương binh đã đào tạo cho huyện Bình Đại được 20 y tá. Trong các trận càn của địch, đoàn thương binh đã giúp sức cùng bộ đội, du kích địa phương đánh địch 7 trận, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, thu được nhiều quân trang quân dụng.

Lãnh đạo 2 tỉnh thực hiện nghi thức gắn bảng di tích.

Lãnh đạo 2 tỉnh thực hiện nghi thức gắn bảng di tích.

Năm 2017,  UBND tỉnh Long An tài trợ nguồn kinh phí xây dựng nhà bia lưu niệm. Công trình này là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho người dân địa phương đồng thời ghi dấu mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân tỉnh Long An với xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.

Xã Thừa Đức cũng là nơi đặt các cơ quan của tỉnh như: Tỉnh uỷ Bến Tre, Huyện uỷ Bình Đại, Nhà in Chiến Thắng, Trường Đảng tỉnh, Trường Huấn luyện đặc công và Bến tiếp nhận vũ khí, các cơ quan của tỉnh Gò Công, An dưỡng Gò Công, Tỉnh uỷ và Quân y Long An.

Lãnh đạo 2 tỉnh thăm Bia tưởng niệm.

Lãnh đạo 2 tỉnh tham quan bia tưởng niệm.

Ngày 29-11-2022, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 2748/QĐ - UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh “Căn cứ điều trị, chăm sóc thương binh của tỉnh Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại”.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân phát biểu tại buổi lễ.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho rằng: Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cùng tinh thần tương thân, tương ái, các thế hệ hôm nay và mai sau của xã Thừa Đức nói riêng và Bình Đại nói chung luôn ghi nhớ đến công lao của các thế hệ tiền nhân đã không tiếc máu xương để giữ từng tấc đất của quê hương cho hôm nay chúng ta được sống trong độc lập, tự do. Bảo tồn và phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó giữa hai địa phương Long An và xã Thừa Đức nói riêng, Bình Đại nói chung, cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trao quà cho gia đình chính sách tại xã Thừa Đức.

Trao quà cho gia đình chính sách tại xã Thừa Đức.

Dip này, UBND tỉnh Long An trao 25 phần quà cho gia đình chính sách tại xã Thừa Đức…

Tin, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN